MHRA vừa bắt đầu một đánh giá an toàn về topiramat dựa theo kết quả của một nghiên cứu quan sát báo cáo về nguy cơ khuyết tật thần kinh bẩm sinh tăng ở trẻ có mẹ sử dụng topiramat trong thời kỳ mang thai. Sử dụng topiramat trong thai kỳ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, cần phải tiếp tục tư vấn cho những bệnh nhân sắp mang thai về những nguy cơ của topiramat đối với thai nhi và sự cần thiết của các biện pháp tránh thai hiệu quả trong quá trình sử dụng thuốc.
Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế
- MHRA vừa bắt đầu một đánh giá an toàn để đánh giá lợi ích và nguy cơ của topiramat, và cân nhắc việc sử dụng các biện pháp khác có cần thiết hay không để giảm nguy cơ khi sử dụng topiramat trong thai kỳ
- Đánh giá an toàn mới được thực hiện khi một nghiên cứu quan sát lớn đã báo cáo rằng phơi nhiễm với topiramat trong thai kỳ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và rối loạn phát triển thần kinh
- Trong số các loại thuốc chống động kinh được xem xét để sử dụng trong thai kỳ, lamotrigin và levetiracetam tiếp tục được coi là an toàn hơn cho trẻ do không dẫn đến tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh
- Phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt khi kê đơn valproat cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vì những nguy cơ đáng kể valproat gây ra trong thai kỳ
Khuyến cáo hiện tại của topiramat
- Không kê đơn topiramat trong thai kỳ để dự phòng chứng đau nửa đầu
- Đảm bảo tất cả bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản đều biết sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả cao trong suốt quá trình điều trị bằng topiramat
- Tư vấn cho bệnh nhân về tầm quan trọng của việc tránh thai trong khi sử dụng topiramat về những vấn đề nảy sinh cũng như nguy cơ gia tăng các dị tật bẩm sinh lớn và hạn chế sự phát triển của thai nhi khi phơi nhiễm với topiramat trước sinh
- Topiramat có thể làm giảm hiệu quả của các biện pháp tránh thai steroid, bao gồm các loại thuốc tránh thai đường uống, do đó nên xem xét các phương pháp sử dụng thuốc thay thế hoặc đồng thời
- Để dự phòng chứng đau nửa đầu trong thai kỳ, bác sĩ có thể không sử dụng topiramat nhưng nên xem xét các phương pháp điều trị thay thế
- Đối với bệnh động kinh, người sử dụng topiramat đang có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai nên ngay lập tức gặp chuyên gia để được tư vấn đặc biệt về cách điều trị chống động kinh
Khuyến cáo dành cho bệnh nhân
- Không tự ý ngừng sử dụng topiramat trước khi thảo luận với bác sĩ
- Topiramat có thể gây hại cho sự hình thành và phát triển của thai nhi trong thai kỳ
- Một nghiên cứu mới cũng đã chỉ ra mối quan hệ của topiramat với việc tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ và khuyết tật trí tuệ (ảnh hưởng đến học tập và phát triển) ở trẻ phơi nhiễm thuốc trong thai kỳ.
- MHRA và các chuyên gia đang xem việc có cần thay đổi cách sử dụng topiramat trên bệnh nhân tại Vương quốc Anh hay không – kết quả sẽ được thông báo ngay khi có kết luận
- Nếu đang sử dụng topiramat để điều trị động kinh và có kế hoạch mang thai, hãy nhanh chóng trao đổi với bác sĩ chuyên khoa, vì có những loại thuốc động kinh khác không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh trong thai kỳ
- Nếu đang sử dụng topiramat để điều trị chứng đau nửa đầu và có kế hoạch mang thai, hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị thay thế có thể được sử dụng trong thai kỳ càng sớm càng tốt
- Những người có thể mang thai nên thử thai trước khi bắt đầu điều trị bằng topiramat và sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả khi sử dụng topiramat
- Topiramat có thể làm giảm hiệu quả của biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố trong việc ngăn chặn mang thai ngoài ý muốn - hãy trao đổi với bác sĩ về biện pháp tránh thai tốt nhất khi đang dùng topiramat
Topiramat và những tác hại đã biết khi sử dụng trong thai kỳ
Topiramat được sử dụng:
- để điều trị chứng đau nửa đầu ở người lớn sau khi xem xét các lựa chọn điều trị thay thế có thể
- đơn trị liệu để điều trị co giật ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi
- phối hợp với các loại thuốc khác để điều trị co giật ở người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên
Thuốc có sẵn dưới dạng viên nén, hỗn dịch uống hoặc viên nang có thể được nuốt/trộn với thức ăn mềm.
Theo một đánh giá toàn diện của Ủy ban Thuốc sử dụng cho người (CHM) về tính an toàn của thuốc chống động kinh trong thai kỳ, bao gồm cả topiramat, vào tháng 1 năm 2021, chúng tôi đã cập nhật các khuyến cáo an toàn mới trong Cập nhật an toàn thuốc tại phần khuyến cáo dành cho bệnh nhân và Báo cáo đánh giá công khai.
Đánh giá cho thấy phơi nhiễm topiramat trong thai kỳ có liên quan đến tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh (khoảng 4 - 5 trường hợp trên 100 trẻ sơ sinh, so với 2 - 3 trên dân số chung). Topiramat cũng được chứng minh là có liên quan đến việc tăng nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân và sinh non (hạn chế sự phát triển của thai nhi).
Trong đánh giá năm 2021, một số dữ liệu đã cho thấy việc sử dụng topiramat trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tự kỷ và phát triển kém ở trẻ. Tuy nhiên, số lượng trong các nghiên cứu hiện có còn hạn chế và cần thêm dữ liệu để đưa ra kết luận chắc chắn.
Các bác sĩ lâm sàng cần tiếp tục tham khảo nhiều thông tin hơn khi xem xét kê đơn thuốc động kinh cho bệnh nhân nữ, đặc biệt là lamotrigin (Lamictal) và levetiracetam (Keppra) không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Đánh giá an toàn quốc gia mới về topiramat
MHRA thường xuyên xem xét các dữ liệu mới liên quan đến tính an toàn của topiramat, cũng như đối với tất cả các loại thuốc.
Một nghiên cứu được công bố gần đây (Bjørk và cộng sự) cho thấy phơi nhiễm với topiramat trong thai kỳ có liên quan đến tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ và khuyết tật trí tuệ. Ủy ban thuốc sử dụng cho người (CHM) xem xét kết quả của nghiên cứu mới này và nhận thấy có bằng chứng mạnh mẽ để hỗ trợ mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với topiramat trước khi sinh và tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và rối loạn phát triển thần kinh.
Hiện tại, MHRA đã bắt đầu đánh giá an toàn để đánh giá những phát hiện này, cùng với những dữ liệu đã có liên quan đến lợi ích và rủi ro của việc sử dụng topiramat, đặc biệt tập trung vào phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và thai kỳ. Bài đánh giá cũng chỉ ra sự cần thiết của các biện pháp giảm thiểu rủi ro, giảm các tác hại tiểm ẩn liên quan đến việc sử dụng trong topiramat trong thai kỳ.
Trong quá trình đánh giá, MHRA cảnh báo cho các nhân viên y tế về những phát hiện của nghiên cứu mới này và nhắc nhở về những rủi ro và biện pháp phòng ngừa quan trọng cần thực hiện khi kê đơn hoặc cấp phát thuốc cho phụ nữ ở độ tuổi sinh nở.
Chi tiết về những phát hiện của nghiên cứu mới
Nghiên cứu của Bjørk và cộng sự là một nghiên cứu lớn, sử dụng nguồn dữ liệu từ 5 quốc gia Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển). Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em có mẹ sử dụng topiramat hoặc valproat trong thai kỳ có nguy cơ cao mắc chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và rối loạn phát triển thần kinh. (xem thêm thông tin về valproat ở phần dưới)
Dữ liệu từ khoảng 4,5 triệu cặp mẹ - con đã được đánh giá bao gồm 24.825 trẻ (chiếm 0,6%) đã phơi nhiễm với thuốc chống động kinh trong thai kỳ. Trong số này, 16.170 trẻ được sinh ra có mẹ mắc chứng động kinh. Những dữ liệu này được phân tích để ước tính nguy cơ mắc chứng tự kỷ và khuyết tật trí tuệ sau khi phơi nhiễm đối với 10 thuốc chống động kinh đơn trị liệu phổ biến và 5 thuốc sử dụng phối hợp (sử dụng 2 thuốc đồng thời).
Tỷ lệ mắc bệnh tích lũy 8 năm của chứng tự kỷ và khuyết tật trí tuệ ở những trẻ được sinh ra bởi người mẹ không sử dụng topiramat lần lượt là 1,5% và 0,8%, còn ở người mẹ sử dụng topiramat tương ứng là 4,3% và 3,1%. Tỷ số nguy cơ được hiệu chỉnh đối với chứng tự kỷ và khuyết tât trí tuệ là 2,8 (95% CI 1,4-5,7) và 3,5 (95% CI, 1,4-8,6).
Các phân tích độ nhạy được thực hiện cho kết quả ướctính nguy cơ rối loạn phát triển não bộ tăng gấp hơn 2 lần, có ý nghĩa thống kê. Dữ liệu cũng cho thấy tác dụng phụ thuộc vào liều dùng của topiramat.
Topiramat và các biện pháp phòng tránh thai
Trước khi sử dụng topiramat, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần thử thai và được thông báo đầy đủ về nguy cơ khi sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai.
Đối với bệnh động kinh, xem xét các lựa chọn điều trị thay thế cho phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Nếu sử dụng topiramat, khuyến khích thực hiện các biện pháp tránh thai hiệu quả cao, bệnh nhân được trao đổi về những nguy cơ khi sử dụng thuốc và chứng động kinh không kiểm soát được trong thai kỳ.
Để dự phòng chứng đau nửa đầu, chống chỉ định sử dụng topiramat trong thai kỳ và phụ nữ trong độ tuổi sinh nở không sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả cao. Do đó, topiramat không được sử dụng để dự phòng chứng đau nửa đầu ở bệnh nhân đang mang thai.
Tương tác với thuốc tránh thai
Topiramat có thể làm giảm hiệu quả của các biện pháp tránh thai steroid, bao gồm thuốc tránh thai đường uống. Nên xem xét các biện pháp tránh thai thay thế hoặc tạm thời.
Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có nguy cơ gây quái thai, phải tư vấn biện pháp tránh thai hiệu quả nhất, sau khi cân nhắc tình trạng bệnh nhân.
Valproat - các hạn chế nghiêm ngặt
Valproat (Epilim) có khả năng gây quái thai cao, bằng chứng cho thấy tỷ lệ dị tật bẩm sinh là 10% ở trẻ có mẹ dùng valproat khi mang thai, trong đó tỷ lệ trẻ khuyết tật phát triển thần kinh khoảng 30%-40%. Dữ liệu hiện có cho thấy những rủi ro này phụ thuộc liều dùng, tuy nhiên valproat không có liều an toàn dùng trong thai kỳ.
Theo đánh giá của chuyên gia, valproat không nên sử dụng cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, trừ khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc không dung nạp. Chống chỉ định valproat ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở trừ khi có biện pháp tránh thai hiệu quả cao.
Các nhân viên y tế phải tiếp tục theo dõi tất cả các bệnh nhân nữ trong độ tuổi sinh nở, kể cả khi valproat được sử dụng ngoài chỉ định được cấp phép. Các bác sĩ nên thảo luận về các rủi ro và xem xét việc điều trị tùy theo tình trạng bệnh nhân. Nên chuyển sang phương pháp điều trị thay thế thích hợp trước khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai.
Đánh giá an toàn toàn diện của thuốc chống động kinh trong thai kỳ vào năm 2021 cho thấy lamotrigin (Lamictal) và levetiracetam (Keppra) không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh so với các thuốc khác.
MHRA tiếp tục giám sát chặt chẽ việc sử dụng valproatở bệnh nhân nữ tại Anh và đang xem xét tính hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ việc sử dụng an toàn.
Điểm tin: CTV. Nguyễn Lê Phương Nga, CTV. Vũ Thị Thu Thủy, CTV. Nguyễn Hà Nhi
Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến