Điểm nghiên cứu mới công bố (NEJM): Liệu Omega-3 có tác dụng trong phòng ngừa biến cố tim mạch nguyên phát hay không?

Omega-3 được quảng cáo rộng rãi là có khả năng giúp dự phòng nguy cơ tim mạch, sự thực có đúng như vậy hay không? Trong năm 2018, có hai thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên theo dõi trên số lượng lớn bệnh nhân trong thời gian 5 - 7 năm đã đưa ra những dữ liệu đáng chú ý về vấn đề này.

 

 

Trong ấn bản NEJM Journal Watch (General Meidicne) Year in Review 2018, Editor Allan S. Brett, MD. đã tổng hợp kết quả nghiên cứu những nghiên cứu nổi bật trong năm 2018 về omega-3, trong đó dữ liệu cho thấy omega-3 không có hiệu quả ở những bệnh nhân không có tiền sử bệnh tim mạch.

 

Rất nhiều người không có tiền sử bệnh tim mạch bổ sung acid béo Omega-3 (dầu cá) để phòng ngừa các biến cố tim mạch. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã đặt ra nghi vấn về tác dụng này của omega-3.

 

Trong nghiên cứu VITAL, khoảng 26000 người (trung bình 67 tuổi) không mắc bệnh tim mạch được lựa chọn ngẫu nhiên để sử dụng viên dầu cá (eicosapentaenoic acid + docosahexaenoic acid, hàm lượng 1 g) hoặc placebo. Trong thời gian theo dõi trung bình 5,3 năm, các nguy cơ (được lựa chọn là tiêu chí nghiên cứu chính) bao gồm nhồi máu cơ tim không gây tử vong (MI), đột quỵ, tử vong do bệnh tim mạch và những nguyên nhân tử vong khác đều tương tự ở cả hai nhóm. Mặc dù tỉ lệ mắc MI ở nhóm omega-3 thấp hơn so với nhóm placebo, lần lượt là 1,1% và 1,5% (NEJM JW Gen Med ngày 15/12 và N Engl J Med ngày 10/11; [e-pub]).

 

Một nghiên cứu khác là thử nghiệm ASCEND được thực hiện trên 15000 người bệnh tiểu đường không có tiền sử bệnh tim mạch (độ tuổi trung bình 63), được lựa chọn ngẫu nhiên để sử dụng viên dầu cá 1g (eicosapentaenoic acid plus docosahexaenoic acid) hoặc placebo. Trong suốt thời gian theo dõi trung bình 7,4 năm, kết quả cho thấy các nguy cơ (tiêu chí nghiên cứu chính) bao gồm MI không gây tử vong, đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc tử vong do bệnh tim mạch hoặc tất cả các nguyên nhân gây tử vong khác cũng tương đương nhau giữa 2 nhóm (NEJM JW Gen Med ngày 1/10 và N Engl J Med ngày 18/10; 379:1540).

 

Thứ ba, một phân tích gộp 10 thử nghiệm ngẫu nhiên (tổng cộng 78000 bệnh nhân) cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào giữa nhóm dùng omega-3 và nhóm đối chứng về nguy cơ gây tử vong do bệnh mạch vành, MI không gây tử vong, các biến cố mạch vành và các biến cố tim mạch bất lợi nghiêm trọng nói chun). Bên cạnh đó, phân tích dưới nhóm giữa những bệnh nhân có tiền sử mạch vành hoặc đái tháo đường cũng cho ra kết quả tương tự (JAMA Cardiol Mar; 3:225).

 

Kết luận, cả hai thử nghiệm ngẫu nhiên trên đều không đưa ra bằng chứng ủng hộ việc sử dụng omega-3 để phòng ngừa các biến cố tim mạch bất lợi ở những bệnh nhân không có tiền sử bệnh tim mạch. Mặc dù nghiên cứu phân tích gộp không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh lợi ích của omega-3 trong ngăn ngừa các nguy cơ thứ phát, nhưng một thử nghiệm gần đây (REDUCE-IT) đã cho thấy việc sử dụng icosapent ethyl (một omega-3 khác) làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở bệnh nhân mắc CV nhưng cũng đồng thời làm tăng triglycerides máu.

 

Nguồn: https://www.jwatch.org/na48078/2018/12/27/nejm-journal-watch-general-medicine-year-review-2018

 

Người tổng hợp: Nguyễn Thị Thu Hà - Nguyễn Phương Thúy

Các tin liên quan