Meprobamat là thuốc an thần điều trị triệu chứng lo âu và tình trạng liên quan, gồm trạng thái lo âu, cai rượu, đau nửa đầu, rối loạn tiêu hóa, căng cơ hoặc chuột rút, và mất ngủ.
Ảnh minh họa.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (European Medicines Agency - EMA) đề nghị đình chỉ lưu hành các thuốc chứa meprobamat đường uống trong Liên minh châu Âu do nguy cơ xảy ra tác dụng có hại, đặc biệt trên hệ thần kinh, lớn hơn lợi ích do thuốc đem lại. Thời gian thu hồi thuốc là 15 tháng. Theo đó, trong 15 tháng tới bác sĩ nên ngừng kê đơn các thuốc chứa meprobamat và cân nhắc biện pháp điều trị khác thay thế tùy theo khuyến cáo quốc gia. Bệnh nhân đang sử dụng thuốc chứa meprobamat nên trao đổi với bác sĩ về việc điều trị trong lần khám bệnh tiếp theo.
Ủy ban các sản phẩm thuốc dùng trên người (Committee for Medicinal Products for Human Use - CHMP) của EMA lưu ý nguy cơ xảy ra tác dụng có hại nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong, như hôn mê, ở bệnh nhân sử dụng thuốc chứa meprobamat. Nguy cơ này tăng khi sử dụng quá liều không chủ ý do mức chênh lệch nhỏ giữa liều điều trị và liều gây độc. Đồng thời CMHP cũng lưu ý ở bệnh nhân nghiện meprobamat có thể gặp tác dụng có hại nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong nếu ngừng thuốc đột ngột sau thời gian dài sử dụng. Ủy ban CHMP kết luận lợi ích của thuốc chứa meprobamat đường uống không vượt trội hơn nguy cơ của thuốc.
Trước đó, các chế phẩm chứa meprobamat đơn thành phần (Equanil, Meprobamat Richard) hoặc ở dạng phối hợp (Mepronizine) đã bị đình chỉ lưu hành tại Pháp từ ngày 10/01/2012 theo quyết định của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pháp (Afssaps).
Tại Việt Nam, meprobamat được lưu hành dưới dạng phối hợp với valerian (biệt dược Dopalipax, Fatipac, Pialpax…).
Tổng hợp: Lương Anh Tùng.
Nguồn:
1. EMA: European Medicines Agency recommends suspension of marketing authorisations for meprobamate-containing medicines in the European Union (20 Jan 2012).
2. Afssaps: Spécialités contenant du méprobamate seul : Suspension des autorisations de mise sur le marché (AMM) à compter du 10 janvier 2012 (Septembre 2011).
3. Afssaps: Mépronizine® comprimé sécable : Retrait d'autorisation de mise sur le marché (AMM) à compter du 10/01/2012 - Lettre aux professionnels de santé (03/08/2011).