Phân tích gộp về hiệu quả và tính an toàn của các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và các opioid trong điều trị thoái hóa khớp gối và khớp háng

 

Tóm tắt nghiên cứu

Mục tiêu

Đánh giá tính hiệu quả và an toàn của các chế phẩm và liều lượng khác nhau của các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), opioid và paracetamol cải thiện triệu chứng đau và chức năng vận động trong thoái hóa khớp gối và khớp háng, nhằm sử dụng hiệu quả và an toàn những loại thuốc này ở liều lượng thấp nhất có thể.

 

Thiết kế

Tổng quan hệ thống và phân tích gộp các thử nghiệm ngẫu nhiên.

 

Nguồn dữ liệu

Cochrane Central Register of Controlled Trials (CENTRAL), Medline, Embase, website của các cơ quan quản lý, và ClinicalTrials.gov từ khi thành lập đến 28/06/2021.

 

Tiêu chí chọn nghiên cứu

Thử nghiệm ngẫu nhiên công bố bằng tiếng Anh có từ 100 bệnh nhân trong mỗi nhóm, đánh giá NSAID, opioid hoặc paracetamol (acetaminophen) trong điều trị thoái hóa khớp.

 

Tiêu chí đánh giá

Tiêu chí chính được đánh giá là triệu chứng đau. Ngoài ra, chức năng vận động và các tiêu chí về độ an toàn cũng được đánh giá.

 

Phương pháp đánh giá

Hai chuyên gia đánh giá độc lập các tiêu chí và đánh giá nguy cơ thiên lệch trong các thử nghiệm. Mô hình ngẫu nhiên Bayes được sử dụng trong quá trình phân tích gộp. Ước tính hiệu quả bằng cách so sánh giữa nhóm can thiệp và nhóm sử dụng giả dược đường uống.

 

Kết quả

Nghiên cứu phân tích 192 thử nghiệm gồm 102 829 người tham gia, sử dụng 90 chế phẩm có hoạt tính hoặc liều lượng khác nhau (68 chế phẩm chứa NSAID, 19 chế phẩm opioid và 3 chế phẩm paracetamol). Năm chế phẩm đường uống (diclofenac 150 mg/ngày, etoricoxib 60 và 90 mg/ngày, rofecoxib 25 và 50 mg/ngày) có xác suất hiệu quả điều trị cao hơn rõ rệt so với mức giảm đau tối thiểu có liên quan về mặt lâm sàng từ 99% trở lên. Diclofenac tác dụng tại chỗ (70-81 và 140-160 mg/ngày) và tất cả opioid có xác suất hiệu quả điều trị cao hơn rõ rệt so với mức giảm đau tối thiểu có liên quan về mặt lâm sàng lần lượt là ≥ 92,3%, và ≤ 53%. Có18,5%; 0% và 83,3% các chế phẩm NSAID đường uống, NSAID tác dụng tại chỗ, và opioid, làm tăng nguy cơ dừng sử dụng thuốc do biến cố bất lợi. Có 29,8%, 0% và 89,5% các chế phẩm NSAID đường uống, NSAID tác dụng tại chỗ, và opioid, làm tăng nguy cơ gặp biến cố bất lợi nói chung. Oxymorphon 80 mg/ngày có nguy cơ ngừng sử dụng do gặp biến cố bất lợi (51%) và nguy cơ gặp các loại biến cố bất lợi (88%) cao nhất.

 

Kết luận

Etoricoxib 60 mg/ngày và diclofenac 150 mg/ngày dường như là NSAID đường uống có hiệu quả nhất trong kiểm soát cơn đau và duy trì vận động của bệnh nhân thoái hóa khớp. Tuy nhiên, liệu pháp điều trị này có thể không phù hợp cho bệnh nhân có bệnh nền hoặc không phù hợp sử dụng thời gian dài do làm tăng nhẹ nguy cơ gặp biến cố bất lợi. Hơn nữa, sử dụng diclofenac 150 mg/ngày làm tăng nguy cơ ngừng sử dụng thuốc do gặp biến cố bất lợi. Dường như hiệu quả và độ toàn của diclofenac tác dụng tại chỗ với liều 70-81 mg/ngày tốt hơn do giảm phơi nhiễm toàn thân với thuốc và liều lượng thấp hơn. Do vậy, nên cân nhắc đây là liệu pháp dược lý đầu tay trong điều trị thoái hóa khớp gối. Lợi ích lâm sàng của liệu pháp điều trị bằng opioid, tất cả các loại chế phẩm hay liều lượng, đều không vượt trội nguy cơ có thể gây ra trên bệnh nhân.

Nguồn: https://www.bmj.com/content/bmj/375/bmj.n2321.full.pdf

Điểm tin: CTV. Tăng Quốc An,CTV. Nguyễn Hà Nhi, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến.