Điểm nghiên cứu mới công bố (NEJM): Đạt được các mục tiêu dinh dưỡng ở bệnh nhân nặng không làm thay đổi kết cục điều trị

Trong năm 2018, một số nghiên cứu dã được thực hiện để so sánh giữa các hình thức khác nhau của nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa và đường tĩnh mạch

 

Trong ấn bản NEJM Journal Watch (General Meidicne) Year in Review 2018, Editor của tạp chí đã tổng hợp kết quả nghiên cứu hai nghiên cứu nổi bật trong năm 2018 so sánh các hình thức khác nhau của nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa và đường tĩnh mạch. Hai thử nghiệm trong năm 2018 đã làm sáng tỏ các vấn đề trong dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng, cụ thể như sau: 

 

Một thử nghiệm ngẫu nhiên được tiến hành tại Pháp với gần 2500 bệnh nhân được sớm nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa hoặc được tĩnh mạch (trong suốt 7 ngày đầu nhập khoa hồi sức). Tất cả bệnh nhân đều được hỗ trợ bằng máy thở và thuốc vận mạch. Lượng calo mục tiêu hằng ngày ở mức từ 20 đến 25 kilocalo/ kg cân nặng, nhằm đáp ứng 100% nhu cầu dinh dưỡng. Tỉ lệ tử vong, độ dài đợt điều trị và thời gian dừng hỗ trợ chức năng sống là như nhau ở cả hai nhóm. Mặc dù các nghiên cứu trước nghi ngờ nguy cơ nhiễm trùng cao hơn ở nhóm nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, kết quả này không lặp lại trong nghiên cứu hiện tại. Trong khi đó, nhóm bệnh nhân nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa có nhiều biến chứng trên đường tiêu hóa hơn (NEJM JW Gen Med ngày 15/1 và Lancet ngày 13/1; 391:133).

 

Một nghiên cứu khác được tiến hành tại Úc tập trung hơn vào việc đạt được mức calo mục tiêu bằng những hình thức nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa khác nhau. Gần 4000 bệnh nhân được lựa chọn ngẫu nhiên để nuôi dưỡng mức tiêu chuẩn (1,0 kcal/ml) hoặc mức giàu năng lượng (1,5 kcal/ml) qua đường tiêu hóa. Cả hai nhóm đạt cùng tốc độ đưa dưỡng chất trung bình, từ đó trung bình nhóm tiêu chuẩn đạt 70% lượng calo mục tiêu và nhóm còn lại đạt 100%. Độ dài đợt điều trị, thời gian dừng thở máy và tỉ lệ tử vong là như nhau ở cả 2 nhóm. Tuy nhiên nhóm nuôi dưỡng mức giàu năng lượng có nhiều biến chứng trên đường tiêu hóa hơn (NEJM JW Gen Med ngày 1/12 và N Engl J Med ngày 8/11; 379:1823).

 

Kết luận rút ra từ cả hai nghiên cứu trên là không cần quá nỗ lực để đạt được đầy đủ các mục tiêu dinh dưỡng qua đường tiêu hóa ở bệnh nhân đang được hỗ trợ chức năng sống, đặc biệt là trong thời gian đầu nhập viện. Hiện nay nhiều bác sĩ bắt đầu cho bệnh nhân nặng ăn nhỏ giọt (tốc độ 10 ml/h), với giả thuyết cho rằng một số chất dinh dưỡng có thể giúp bảo vệ niêm mạc nhưng không nên cố đạt đến ngưỡng đủ mục tiêu dinh dưỡng. Mặc dù phương pháp cho ăn nhỏ giọt chưa được kiểm chứng bởi hai nghiên cứu trên, kết quả của chúng khi được xem xét đồng thời gián tiếp ủng hộ cách tiếp cận “ít hơn là tốt hơn”.