MEDSAFE: Phân biệt giữa huyết khối và huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) sau khi tiêm chủng vắc xin Covid-19

 

Vấn đề huyết khối, đặc biệt khi liên quan tới hội chứng giảm tiểu cầu, đã làm nổi lên mối quan tâm đối với các vắc xin dựa trên véc tơ adenovirus mất khả năng sao chép, cụ thể là vắc xin COVID-19 của AstraZeneca và Janssen. Hiện tại, Comirnaty (vắc xin COVID-19 Pfizer) là vắc xin COVID-19 duy nhất được sử dụng ở New Zealand và là vắc xin mRNA (không phải vắc xin dựa trên véc tơ là vi rút adeno)

 

Thông tin được đưa ra nhằm giúp các nhân viên y tế hiểu về sự khác biệt giữa huyết khối và huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS), và không thay thế đánh giá trên lâm sàng.

 

Hiện tại, chưa tìm thấy mối liên quan giữa Comirnaty và nguy cơ TTS ở New Zealand hoặc các nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, đã có một số báo cáo về biến chứng huyết khối sau khi tiêm vắc xin Comirnaty. Tại New Zealand, tính đến ngày 28/9/2021, Trung tâm giám sát phản ứng có hại (CARM) đã nhận được 107 báo cáo về biến chứng huyết khối (trong đó 45 trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu, 45 trường hợp thuyên tắc phổi, 1 trường hợp huyết khối tĩnh mạch não, 2 trường hợp huyết khối tĩnh mạch mạc treo tràng trên, 1 trường hợp huyết khối tĩnh mạch ở tay, 1 trường hợp huyết khối tắc mạch thận, 9 trường hợp huyết khối tĩnh mạch nông và 3 trường hợp huyết khối không rõ loại). Không có bằng chứng về xuất huyết trong các trường hợp này. Hơn nữa, có một báo cáo biến chứng huyết khối khối sau khi tiêm vắc xin, tuy nhiên chưa xác định có liên quan tới vắc xin mà có thể xảy ra một cách trùng hợp.

Huyết khối xảy ra phổ biến trong cộng đồng. Ở New Zealand, mỗi năm khoảng 800/1 triệu người tiến triển thành bệnh huyết khối. Số ca huyết khối được báo cáo sau khi tiêm vắc xin Comirnaty thấp hơn so với tỷ lệ huyết khối dự kiến ở New Zealand.

 

Huyết khối hiện không được coi là một phản ứng có hại liên quan đến Comirnaty. Đánh giá này đã được chứng thực bởi Ban giám sát độc lập an toàn vắc xin COVID-19 của New Zealand (CV-ISMB) vào ngày 22/7/2021. Và không có sự thay đổi nào khi CV-ISMB xem xét lại vào ngày 6/10/2021. Medsafe sẽ tiếp tục theo dõi tín hiệu an toàn này.

 

TTS là gì và khác với huyết khối như thế nào?

 

TTS được xác định là một tình trạng hiếm gặp mới. Định nghĩa trong dự thảo của Brighton Collaboration mô tả tình trạng bệnh là “tất cả các bệnh nhân vừa có biểu hiện huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch cấp tính vừa có tình trạng mới giảm tiểu cầu khởi phát và không có thông tin về sử dụng heparin gần đây”. Hội chứng có một số điểm tương đồng với giảm tiểu cầu do heparin (HIT); một phản ứng hiếm gặp sau khi sử dụng heparin.

 

Tham khảo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị TTS của Hiệp hội huyết khối và đông máu của Úc và New Zealand (THANZ), còn được gọi là huyết khối giảm tiểu cầu miễn dịch do vắc-xin (VITT).

Trong TTS, huyết khối thường xuất hiện ở những vị trí bất thường như xoang tĩnh mạch não, là một tình trạng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Đáng chú ý, bệnh nhân cũng có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của giảm tiểu cầu từ nhẹ đến nặng, ví dụ như ban xuất huyết. Tình trạng này được cho rằng có cơ chế thông qua trung gian miễn dịch, với các kháng thể chống lại yếu tố tiểu cầu 4 (kháng thể anti-PF4) được phát hiện trong hầu hết các trường hợp. Phần lớn dân số không có những kháng thể này. Mặc dù các nghiên cứu nhằm xác định chính xác sinh lý bệnh đang được thực hiện, tuy nhiên cơ chế gây TTS khác biệt so với cơ chế gây huyết khối và/hoặc giảm tiểu cầu.

 

Khi nào nghi ngờ TTS?

• Thường xảy ra từ 4 đến 42 ngày sau khi tiêm chủng (vắc xin dựa trên véc tơ adenovirus)

• Huyết khối: có thể nặng và tiến triển nhanh. Thông thường xảy ra trong xoang tĩnh mạch não hoặc tĩnh mạch tạng, mặc dù có ở cả các vị trí khác;

• Giảm tiểu cầu (<150 x 109): số lượng tiểu cầu có thể bình thường khi hội chứng mới xuất hiện nhưng sẽ giảm trong vòng 4-6 giờ.

• D-Dimer cao (thường rất cao)

• Giảm fibrinogen

• Xét nghiệm ELISAb,c PF4 dương tính 

• Không có nguyên nhân khác cho tình trạng này (nghĩa là không sử dụng heparin trong vòng 100 ngày trước đó).

 

Ghi chú:

a. Không phải tất cả biến chứng giảm tiểu cầu sau tiêm chủng đều là TTS, và chứng giảm tiểu cầu do miễn dịch đã được báo cáo sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Điều này tương tự đối với huyết khối, với các báo cáo về các biến cố huyết khối sau khi tiêm chủng.

b. Xét nghiệm PF4 ELISA đã được thiết lập tại LabPlus ở Bệnh viện Thành phố Auckland. Xét nghiệm PF4 ELISA sẽ có giá trị đối với bệnh nhân nghi ngờ TTS nếu đã tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca hoặc Janssen trong vòng 42 ngày theo hướng dẫn của THANZ (phụ lục 1).

c. Trong những trường hợp ngoại lệ, việc sử dụng xét nghiệm ELISA PF4 có thể trao đổi với LabPlus nếu nghi ngờ TTS ở mức độ cao sau khi tiêm vắc xin Comirnaty và chỉ sau khi tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ huyết học.  Đây không phải là thông lệ đối với huyết khối xảy ra sau khi tiêm vắc xin Comirnaty.

   

Nguy cơ của TTS

Mặc dù không phát hiện có yếu tố nguy cơ cụ thể như tuổi, giới tính và tiền sử rối loạn đông máu nhưng cho đến nay hầu hết các trường hợp TTS được báo cáo trên toàn cầu là nữ < 60 tuổi (tuổi trung bình 41-48). Dữ liệu cũng cho thấy nguy cơ TTS thấp hơn nhiều sau liều thứ hai ở những người không gặp vấn đề gì ở liều đầu tiên.

 

Quản lý trường hợp xuất hiện TTS

Điều trị TTS khác với tiêu chuẩn điều trị huyết khối và không nên sử dụng heparin. Vui lòng tham khảo Tư vấn của THANZ: huyết khối giảm tiểu cầu miễn dịch nghi ngờ do vắc xin (VITT) /Cập nhật hàng tuần tư vấn của THANZ dành cho bác sĩ chuyên khoa huyết học để được tư vấn về sàng lọc và điều trị.

 

Báo cáo

Khuyến khích tất cả nhân viên y tế báo cáo biến cố có hại nghi ngờ sau tiêm chủng cho Trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc.

 

Tham khảo sơ đồ dưới đây về TTS do vắc xin trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị TTS của Hiệp hội huyết khối và đông máu của Úc và New Zealand (THANZ).

 

 

 

Nguồn:https://www.medsafe.govt.nz/safety/DHCPLetters/Distinguishing-between-Thrombosis-and-TTS.pdf

Điểm tin: CTV. Hồ Thị Thanh Mai, CTV. Vũ Hà Vy , ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

 

Các tin liên quan