Những bệnh nhân có triệu chứng tăng huyết áp động mạch phổi nhẹ (loại II theo phân loại chức năng của Tổ chức Y tế Thế giới), thì bệnh tình sẽ được cải thiện ở hai mặt: lực cản của mạch máu phổi, và khả năng dự phòng tổm thương mạch máu nếu được điều trị bằng bosentan. Đó là kết luận của một công trình đăng trên tạp chí Lancet năm 2008, số 371, trang 2093.
Ảnh minh họa. Từ Internet
Các bệnh nhân (từ 52 cơ sở điều trị của 21 nước) từ 12 tuổi trở lên, bị tăng huyết áp động mạch phổi loại II, được phân chia ngẫu nhiên để dùng hoặc là bosentan (với liều khởi đầu 62,5mg hai lần/ngày, sau đó được tăng dần tới 125mg hai lần/ngày sau 4 tuần lễ, hoặc vẫn giữ nguyên liều 62,5mg hai lần/ngày nếu thể trọng dưới 40kg) hay là placebo với thời gian điều trị kéo dài 6 tháng.
Để phân tích về tiêu chí lực cản của mạch máu, đã có hồ sơ của 168 bệnh nhân, còn để phân tích về kết quả của test thử đi bộ trong 6 phút, có hồ sơ của 177 bệnh nhân.
Kết quả phân tích cho thấy rằng sau 6 tháng, giá trị của trung bình nhân của lực cản mạch máu bằng 83,2% giá trị ở đường nền đối với những bệnh nhân dùng bosentan, và bằng 107,2% đối với những bệnh nhân dùng placebo. Mặc dù giá trị trung bình của kết quả test thử đi bộ trong 6 phút có tăng so với đường nền ở nhóm bệnh nhân dùng bosentan và giảm đi đối với những bệnh nhân ở nhóm dùng placebo, nhưng thuốc không thể hiện tác dụng đáng kể trên khả năng lao động, tập luyện.
Các tác giả kết luận: “Nếu không điều trị gì thì với các bệnh nhân có những triệu chứng nhẹ về tăng huyết áp động mạch phổi, bệnh có thể tiến triển xấu, cả về mặt lâm sàng cũng như về mặt huyết động học, cho dù khả năng tập luyện, lao động có thể vẫn được duy trì. Việc điều trị bằng bosentan có thể có ích cho những bệnh nhân tăng huyết áp động mạch phổi xếp loại II theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Nguồn: The Pharmaceutical Journal. Tập 281. Ngày 5/7/2008. Trang 6
Nguyễn Thanh Sơn dịch