Hiệu ứng nocebo là một hiệu ứng có tính chất ngược lại với hiệu ứng placebo, mô tả tình huống rằng kết quả tiêu cực xảy ra do niềm tin rằng sự can thiệp sẽ gây ra tác hại. Hiệu ứng này đôi khi được xem nhẹ trong Cảnh giác dược. Thuật ngữ nocebo xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là "gây hại".
Giới thiệu
Hiệu ứng nocebo là một hiệu ứng có tính chất ngược lại với hiệu ứng placebo, mô tả tình huống rằng kết quả tiêu cực xảy ra do niềm tin rằng sự can thiệp sẽ gây ra tác hại. Hiệu ứng này đôi khi được xem nhẹ trong Cảnh giác dược. Thuật ngữ nocebo xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là "gây hại".
Đối với các phản ứng có hại, hiệu ứng nocebo nghĩa là bệnh nhân có nhiều khả năng gặp phải tác dụng phụ nếu họ suy nghĩ hoặc lo lắng về tác dụng phụ khi sử dụng thuốc trong quá trình tham gia nghiên cứu. Một ví dụ về hiệu ứng nocebo là các tác dụng phụ nghiêm trọng mà bệnh nhân dùng giả dược gặp phải trong một thử nghiệm lâm sàng.
Một số chuyên gia y tế cho rằng hiệu ứng nocebo có thể có ảnh hưởng lớn hơn đến kết quả lâm sàng so với hiệu ứng placebo vì nhận thức tiêu cực được hình thành nhanh hơn nhiều so với nhận thức tích cực.
Hiệu ứng nocebo có thể bị ảnh hưởng bởi “cơn bão truyền thông”. Càng có nhiều mối lo ngại về một phản ứng có hại đối với một loại thuốc thì càng tăng số lượng các báo cáo về phản ứng có hại. Ví dụ, năm 2013, phương tiện truyền thông Anh đã nhấn mạnh các tác dụng phụ của statin, trong đó có đau cơ sau một bài báo trên Tạp chí Y học Anh. Ước tính 200.000 bệnh nhân đã ngừng dùng statin trong vòng sáu tháng kể từ khi bài báo được công bố, đa số là do lo ngại về các phản ứng có hại. Trong thời gian này cũng có sự gia tăng số lượng báo cáo về phản ứng có hại tiêu cơ vân. Sự cố này được cho là do hiệu ứng nocebo.
Hiệu ứng nocebo cũng xuất hiện trong các thử nghiệm bệnh nhân sử dụng các thuốc generic. Sự lo ngại về các thuốc generic có thể là nguyên nhân gây ra tác dụng phụ mà một số bệnh nhân gặp phải khi thay đổi từ một thuốc mang nhãn cải tiến sang thuốc generic. Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng nhận thức về chi phí (tin rằng vì thuốc generic rẻ hơn nên chúng kém hiệu quả hơn) có thể tăng cường hiệu ứng nocebo.
Biện pháp
Những bệnh nhân có nguy cơ cao gặp phải các hiệu ứng nocebo gồm phụ nữ, bệnh nhân lo lắng và trầm cảm, những người có vẻ ngoài bi quan và dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường. Những bệnh nhân này cần được tư vấn cẩn thận hơn để tránh tạo ra hiệu ứng nocebo.
Có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện hiệu ứng nocebo bằng việc giải thích rõ ràng tác động tích cực và tiêu cực của việc điều trị và đảm bảo bệnh nhân hiểu được cơ sở của biện pháp điều trị. Ví dụ: “Hầu hết những người dùng thuốc generic X đều nhận thấy không có sự khác biệt so với thuốc cải tiến Y, nhưng một số ít bệnh nhân có thể nhận thấy sự khác biệt” so với “Một số bệnh nhân thấy rằng thuốc generic X không hiệu quả như thuốc cải tiến Y”.
Cung cấp thông tin cho bệnh nhân về tác dụng phụ của thuốc và kiểm tra sự hiểu biết của họ cũng giúp làm giảm nguy cơ hiệu ứng nocebo.
Nguồn: https://www.medsafe.govt.nz/profs/PUArticles/March2019/The%20nocebo%20effect.htm
Người tổng hợp: Đỗ Thu Thanh - Nguyễn Phương Thúy