Cloroquin và hydroxycloroquin: Những thuốc cũ trong thế giới COVID-19 mới

Do không đủ bằng chứng chất lượng, việc sử dụng các thuốc này trong quản lý COVID-19 nên được dành riêng cho các thử nghiệm lâm sàng.

 

Đại dịch COVID-19 đang thách thức quá trình phê duyệt thuốc chậm và được kiểm soát chặt chẽ tại Hoa Kỳ. Ngày 28/3/2020, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA Hoa Kỳ) đã cho phép sử dụng thuốc chống sốt rét cloroquin (CQ) và hydroxycloroquin (HCQ) để điều trị bệnh nhân COVID-19 không nằm trong thử nghiệm lâm sàng, mặc dù chưa có bằng chứng lâm sàng thuyết phục về hiệu quả của thuốc.

Nguyên nhân nào dẫn đến sự quan tâm đến các thuốc này? Hầu hết các bệnh nhân COVID-19 có khả năng ở giai đoạn nhạy cảm với các thuốc kháng virus trước khi có biểu hiện lâm sàng. Sau giai đoạn đầu biểu hiện bằng các triệu chứng hô hấp thông thường, sốt và khó chịu, những bệnh nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 sẽ tiến triển viêm đường hô hấp nặng, chủ yếu do đáp ứng miễn dịch. Dữ liệu về kết quả xét nghiệm ghi nhận bằng chứng về tình trạng viêm nghiêm trọng, bao gồm tăng protein phản ứng C, feritin và interleukin-6. CQ và HCQ đã chứng minh hoạt tính in vitro chống lại SARS-CoV, SARS-CoV-2 và các virus khác. Cơ chế tác dụng của các thuốc còn chưa rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến: (1) làm tăng pH của các endosome trên tế bào, làm giảm khả năng xâm nhập, nhân lên và lây nhiễm của virus; và (2) can thiệp vào quá trình glycosyl hoá các thụ thể của tế bào với virus. Ngoài ra, các thuốc này cũng làm giảm sự tự thực bào của tế bào chủ (Cell Res 2013; 23:300). CQ/HCQ đã tỏ ra đầy hứa hẹn với các tác dụng chống virus và điều hoà miễn dịch rõ ràng.

FDA Hoa Kỳ chấp thuận việc sử dụng CQ/HCQ cho bệnh nhân COVID-19 sau khi có công bố về một nghiên cứu nhỏ, không ngẫu nhiên, trên 36 bệnh nhân được xác nhận mắc COVID-19 (bao gồm 22 người có nhiễm trùng hô hấp trên, 8 người có nhiễm trùng hô hấp dưới và 6 người không có triệu chứng). Trong số những bệnh nhân này, 20 người được điều trị bằng HCQ (600 mg mỗi ngày) và 16 người còn lại không được dùng thuốc này (nhóm chứng). Trong số các bệnh nhân được điều trị bằng HCQ, 6 người cũng được sử dụng thêm azithromycin (AZM; 500 mg vào ngày 1, và 250 mg vào các ngày thứ 2 - 5) để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn. Trong vòng 6 ngày, thanh thải virus đã được ghi nhận trên 70% bệnh nhân sử dụng HCQ và 12,5% bệnh nhân trong nhóm chứng. Tất cả các bệnh nhân được điều trị bằng HCQ+AZM đã loại bỏ virus so với 57,1% ở nhóm chỉ dùng HCQ. Các phát hiện này không đủ thuyết phục do hiệu quả được thể hiện hoàn toàn về mặt vi sinh mà không phải trên lâm sàng, và tiến hành trong một nghiên cứu không được thiết kế tối ưu và có khả năng bị sai lệch.

Đáng chú ý, trong các đợt dịch chikungunya, sốt xuất huyết và cúm trước đây, tác dụng kháng virus in vitro của CQ/HCQ không được chuyển thành lợi ích trên lâm sàng. Nghiên cứu ngẫu nhiên đầu tiên về HCQ đối với COVID-19 ở Trung Quốc chỉ có 30 bệnh nhân từ một trung tâm duy nhất và không cho thấy bất kỳ lợi ích lâm sàng nào (J Zhejiang Univ (Med Sci) 2020; 49; [e-pub]). Một báo cáo thứ hai được công bố ngày 15/02/2020 (BioSci Trends 2020; 14:72), cho thấy kết quả tốt hơn liên quan đến điều trị bằng CQ so với nhóm chứng trong một đánh giá trên 100 bệnh nhân, nhưng kết quả đầy đủ vẫn chưa được công bố trên một tạp chí khoa học có bình duyệt.

Ngoài những lo ngại về hiệu quả, CQ và HCQ cũng có nguy cơ gây độc tính. Nhạy cảm ánh sáng, tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hoá và các độc tính khác, mặc dù hiếm gặp, có thể tăng lên ở những bệnh nhân COVID-19 nặng. Kéo dài khoảng QT do các thuốc này được quan tâm đặc biệt, vì viêm cơ tim và bệnh cơ tim tỏ ra là biến chứng tương đối phổ biến ở những bệnh nhân COVID-19 nặng (JAMA 2020 Mar 19; [e- pub]). Thêm vào những lo ngại này, trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi ở Brazil với hai liều CQ (600 mg hai lần mỗi ngày trong 10 ngày, hoặc 450 mg hai lần mỗi ngày trong 5 ngày) cho các bệnh nhân nhập viện với COVID-19 gần đây, nhánh nghiên cứu với liều cao hơn đã phải ngừng lại do ghi nhận tăng tỷ lệ tử vong. Một đánh giá hồi cứu bổ sung với 368 bệnh nhân nam nhập viện với COVID-19 tại các trung tâm y tế cựu chiến binh ở Hoa Kỳ, được công bố dưới dạng sơ bộ chưa được bình duyệt ngày 21/4/2020, gây ra mối lo ngại tương tự. Mặc dù những người sử dụng và không sử dụng HCQ khác nhau về một số đặc điểm cơ bản có thể ảnh hưởng đến các phát hiện của nghiên cứu, nhưng nguy cơ tử vong ở nhóm dùng HCQ cao hơn nhóm không dùng HCQ (tỷ số nguy cơ hiệu chỉnh nhóm HCQ với nhóm không HCQ là 2,6).

 

Kết luận

Mặc dù rất cần có các phương pháp điều trị mới cho COVID-19, chúng ta đang gặp khó khăn vì hầu hết các thông tin hiện có liên quan đến việc sử dụng CQ/HCQ cho COVID-19 đều xuất phát từ các nghiên cứu được thiết kế không đủ tốt hoặc chỉ có báo cáo sơ bộ chưa được bình duyệt. Các nghiên cứu có đối chứng với placebo đánh giá vai trò của CQ/HCQ trong dự phòng sau phơi nhiễm trên các bệnh nhân ngoại trú (bệnh nhẹ) và các bệnh nhân nhập viện đã được bắt đầu. Với dữ liệu hạn chế về hiệu quả hiện có và những lo ngại về độc tính, CQ/HCQ không nên được sử dụng để điều trị COVID-19 cho đến khi các thử nghiệm lâm sàng chứng minh lợi ích của thuốc vượt trội hơn các nguy cơ tiềm tàng.

 

Nguồn: https://www.jwatch.org/na51319/2020/04/24/chloroquine-and-hydroxychloroquine-old-drugs-new-covid-19?query=pfw&jwd=000020102030&jspc=PA

Người dịch: Nguyễn Quang Sáng, Lương Anh Tùng

Các tin liên quan