Lời khuyên dành cho nhân viên y tế:
- Thuốc trị ho và cảm lạnh có chứa pholcodin đang dần bị rút khỏi thị trường Anh quốc do các đánh giá trên thuốc này cho thấy lợi ích không vượt trội hơn so với nguy cơ làm gia tăng khả năng sốc phản vệ của các thuốc ức chế thần kinh cơ (NMBA) được sử dụng trong gây mê toàn thân
- Đối với những bệnh nhân sẽ gây mê toàn thân bằng NMBA, cần kiểm tra xem bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc có chứa pholcodin không, đặc biệt trong vòng 12 tháng quavà cần đề phòng về khả năng sốc phản vệ có thể xảy ra liên quan đến NMBA.
- Không nên kê đơn hoặc cấp phát các loại thuốc có chứa pholcodin, đồng thời xem xét các phương pháp điều trị thay thế thích hợp cho người bệnh mới bị ho khan hoặc những người hiện đang dùng pholcodin.
Thông tin các nhân viên y tế cần cung cấp cho bệnh nhân:
- Thuốc trị ho và cảm lạnh có chứa pholcodin đang dần bị rút khỏi thị trường để phòng ngừa rủi ro liên quan đến thuốc trong quá trình sử dụng, vì thế thuốc sẽ không còn bày bán tại các hiệu thuốc.
- Nếu bạn đang dùng bất kể loại thuốc ho nào (bao gồm cả viên nén và siro), hãy kiểm tra bao bì, nhãn hoặc tờ Thông tin sản phẩm, nếu sản phẩm có chứa pholcodin bạn có thể trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để có thể chuyển sang loại thuốc khác phù hợp hơn.
- Đã có bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc có chứa pholcodin dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng (sốc phản vệ) ở những bệnh nhân được gây mê toàn thân có sử dụng thuốc ức chế thần kinh cơ (NMBAs) trong phẫu thuật.
- Thông báo với bác sĩ gây mê của bạn trước khi phẫu thuật nếu bạn đã dùng pholcodin, đặc biệt là trong vòng 12 tháng qua, hoặc có nghi ngờ đã dùng một sản phẩm chứa pholcodin.
- Nguy cơ gặp phản ứng dị ứng, kể cả sốc phản vệ, với các thuốc có khả năng gây dị ứng khác không tăng lên sau khi sử dụng pholcodin và nguy cơ này ở những bệnh nhân đã từng sử dụng pholcodin là rất thấp, tuy nhiên bệnh nhân nên trao đổi với dược sĩ, các bác sĩ phẫu thuật của mình nếu có bất cứ nghi ngờ nào.
Thông tin chung về pholcodin:
- Pholcodin là một thuốc thuộc nhóm opioid được chỉ định điều trị ho khan ở cả người lớn và trẻ em trên 6 tuổi hoặc phối hợp với các hoạt chất khác để điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Các đánh giá trước đây đã xem xét mối liên quan giữa việc sử dụng pholcodin và khả năng gia tăng nguy cơ sốc phản vệ trong quá trình gây mê toàn thân có sử dụng thuốc ức chế thần kinh cơ (NMBA). Khả năng xảy ra phản ứng chéo giữa pholcodin và NMBAs đã được bổ sung vào tờ thông tin sản phẩm đối với thuốc chứa pholcodin vào tháng 1 năm 2022.
- MHRA đã xem xét các dữ liệu an toàn, bao gồm các kết quả từ nghiên cứu ALPHO gần đây, cho thấy việc sử dụng pholcodin trong vòng 12 tháng trước khi gây mê toàn thân bằng thuốc ức chế thần kinh cơ (NMBA) có liên quan đáng kể với việc tăng nguy cơ sốc phản vệ do NMBA (tỷ số chênh OR hiệu chỉnh = 4,2; KTC 95%: 2,5 đến 6,9). Nghiên cứu không đánh giá về nguy cơ liên quan đến việc sử dụng pholcodin trong khoảng thời gian lớn hơn 12 tháng, tuy nhiên dữ liệu từ một nghiên cứu được ghi nhận ở Na Uy cho thấy rằng nguy cơ gia tăng rất nhỏ có thể kéo dài đến 3 năm.
- Ủy ban về thuốc sử dụng cho người (Commission on Human Medicines – CHM) khuyến cáo rằng có đủ bằng chứng về mối liên quan với pholcodin, mặc dù nguy cơ sốc phản vệ vẫn còn rất nhỏ ở những bệnh nhân đã từng sử thuốc này. Sốc phản vệ sau khi sử dụng NMBA được ước tính có tỷ lệ mắc chung ít hơn 1 trên 10.000 trường hợp. Với cảnh báocủa CHM và việc thiếu các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ phản ứng phản vệ gia tăng đối với NMBAs, các sản phẩm có chứa pholcodin đang dần bị rút khỏi thị trường để phòng ngừa các trường hợp gặp phản ứng.
- Dược sĩ nên đưa ra lời khuyên cho những người bệnh có bất kỳ mối quan tâm nào về thuốc họ sử dụng hoặc mong muốn được tư vấn về các loại thuốc thay thế và các biện pháp có khả năng kiểm soát các triệu chứng của họ.
- Các đánh giá khoa học của MHRA đồng thời với đánh giá của Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) đều đưa ra kết luận rằng lợi ích không lớn hơn so với nguy cơ khi sử dụng thuốc này.
Điểm tin: CTV. Kim Thị Khánh Huyền
Phụ trách: DS. Nguyễn Thị Cúc