Bối cảnh
Tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm da cơ địa ngày càng gia tăng, đặc biệt trên bệnh nhân cao tuổi. Cho đến hiện nay, có rất ít thông tin về cơ chế bệnh sinh và phương pháp điều trị tối ưu trên nhóm bệnh nhân này. Những dữ liệu ban đầu cho thấy rằng các thuốc điều trị tăng huyết áp có thể góp phần gây viêm da cơ địa; tuy nhiên có rất ít dữ liệu về thuốc điều trị tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa trên bệnh nhân cao tuổi.
Mục tiêu
Xác định mối liên quan của sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp với bệnh viêm da cơ địa ở người cao tuổi.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu theo dõi dọc trên bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên không có chẩn đoán mắc bệnh viêm da cơ địa ở thời điểm đưa vào nghiên cứu. Nghiên cứu được tiến hành tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc mạng lưới Health Improvement Network tại Vương quốc Anh từ 01/01/1994 đến ngày 01/01/2015. Phân tích dữ liệu được thực hiện từ ngày 06/01/2020 đến ngày 06/02/2024.
Phương pháp xác định chỉ tiêu đánh giá chính
Viêm da cơ địa được ghi nhận dựa vào ngày đầu tiên xuất hiện một trong năm loại viêm da cơ địa phổ biến nhất.
Kết quả
Trong tổng số mẫu nghiên cứu gồm 1.561.358 bệnh nhân cao tuổi (độ tuổi trung bình là 67 tuổi; tỷ lệ nữ giới chiếm 54%), tỷ lệ mắc bệnh viêm da cơ địa là 6,7% trong cả giai đoạn nghiên cứu. Tỷ lệ mắc viêm da cơ địa ở những bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cao hơn so với những bệnh nhân không sử dụng, lần lượt là 12 so với 9 trong tổng số 1.000 người-năm. Mô hình Cox hiệu chỉnh cho thấy các bệnh nhân sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị tăng huyết áp nào đều có nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa tăng 29% (tỷ suất nguy cơ [HR]: 1,29; 95% CI: 1,26-1,31). Khi đánh giá từng nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp riêng lẻ, tỷ suất nguy cơ cao nhất với nhóm lợi tiểu (HR: 1,21; 95% CI: 1,19-1,24) và nhóm chẹn kênh canxi (HR: 1,16; 95% CI: 1,14-1,18), và nguy cơ thấp nhất là đối với nhóm ức chế enzym chuyển angiotensin (HR: 1,02; 95% CI: 1,00-1,04) và nhóm chẹn beta (HR: 1,04; 95% CI: 1,02-1,06).
Kết luận
Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp có liên quan đến tăng nhẹ nguy cơ viêm da cơ địa, trong đó nguy cơ cao nhất với nhóm chẹn kênh canxi và nhóm lợi tiểu, nguy cơ thấp nhất với nhóm ức chế enzym chuyển angiotensin và nhóm chẹn beta. Hiện nay, vẫn cần thêm các nghiên cứu khác để làm rõ các cơ chế tiềm ẩn của mối liên quan này. Tuy nhiên, những thông tin từ nghiên cứu này cũng rất hữu ích để các nhà lâm sàng có phương pháp quản lý bệnh nhân cao tuổi mắc viêm da cơ địa.