Bản tin BIP số 1 năm 2021: Nghệ và nguy cơ viêm gan

 

Củ nghệ, có nguồn gốc từ thân rễ của cây Curcuma longa, thường được sử dụng làm gia vị cũng như dùng trong y học cổ truyền của Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay, rất nhiều thực phẩm bổ sung chứa tinh chất từ nghệ đã có mặt trên thị thường, với doanh số bán ngày càng tăng. Nghệ, với hoạt chất curcumin, được cho là có nhiều tác dụng có lợi như: chống viêm, chống oxy hóa, kháng vi rút. 

 

Vào tháng 10/2019, Cơ quan Y tế Italia đã đưa ra cảnh báo sau khi phân tích 27 trường hợp tổn thương gan, xảy ra từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2019, nghi ngờ do sử dụng thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ nghệ, trong đó đa số là viêm gan ứ mật. Trong một tổng quan tài liệu gần đây (Br J Clin Pharmacol, 2021, 87, 741), 23 trường hợp tổn thương gan khác đã được báo cáo. Thông thường, nghệ được dùng phối hợp với một hoặc nhiều loại thuốc, thời gian sử dụng từ 2 tuần đến 10 tháng. Trong số 23 trường hợp này, 17 trường hợp hồi phục tích cực khi ngừng sử dụng sản phẩm chứa nghệ.

 

Cơ chế gây tổn thương gan vẫn chưa rõ ràng, có giả thuyết cho rằng nguyên nhân là do suy giảm chức năng ti thể của tế bào gan. Ngoài ra, độc tính của curcumin có thể tăng lên khi có sự hiện diện của piperin (hoạt chất có trong hạt tiêu đen) thường được kết hợp với nghệ trong các thực phẩm bổ sung này. Piperin được cho là làm tăng sự hấp thu curcumin. Curcumin cũng ức chế một số loại CYP450 và PgP, có khả năng dẫn tới tương tác thuốc. Ngoài ra, người tiêu dùng cần kiểm tra chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của các thực phẩm chức năng này.

 

Thận trọng khi sử dụng thực phẩm bổ sung chứa nghệ bởi chúng có thể gây ra các phản ứng có hại !

 

Tác giả: Tiến sĩ Geneviève Durrieu – Toulouse

Điểm tin: Lê Thị Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Triển, Nguyễn Thị Tuyến