TGA: Điểm tin đáng chú ý tạp chí Medicine safety update volume 8 number 4 tháng 8-9/2017

 

(Ảnh: nguồn internet)

 

Theo dõi nồng độ và độc tính của Lithium

       Các cán bộ y tế được nhắc lại rằng các triệu chứng sớm của ngộ độc lithium có thể xảy ra rất gần hoặc trong khoảng nồng độ điều trị của thuốc trong huyết thanh. Bác sĩ điều trị cần cảnh giác với các dấu hiệu tiềm tàng của ngộ độc lithium, đặc biệt ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ.

        Các triệu chứng và các yếu tố nguy cơ

        Các triệu chứng sớm của ngộ độc lithium thường đa dạng và không đặc hiệu. Các triệu chứng này thường xảy ra khi nồng độ lithium trong huyết thanh cao hơn 1.5 mmol/L nhưng có thể xảy ra khi nồng độ lithium trong huyết thanh nằm trong khoảng nồng độ điều trị. Các triệu chứng/dấu hiệu có thể bao gồm: run tay, tiêu chảy, buồn nôn/nôn, đa niệu, khát nước, ngủ gà, kích động, mất điều hòa vận động và yếu cơ, tăng phản xạ. Độc tính quan trọng nhất là trên thần kinh trung ương. Biểu hiện độc tính trên thần kinh bao gồm mất điều hòa, nói lắp, khó nuốt, suy giảm nhận thức hoàn toàn không thể đảo ngược mặc dù xử trí phù hợp. Độc tính nghiêm trọng có thể dẫn tới co giật, rung giật cơ và hôn mê.

        Ngộ độc lithium có thể do giảm mức lọc cầu thận, tăng tái hấp thu ở ống thận hoặc thay đổi thể tích phân bố. Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng độc tính gồm: suy giảm chức năng thận, tuổi cao, đái tháo nhạt, mất nước (do nôn mửa, tiêu chảy, vã mồ hôi), giảm lượng muối ăn, rối loạn chức năng tuyến giáp, các bệnh mắc kèm, dùng thuốc làm giảm thải trừ lithium.

        Ngoài ra, các yếu tố sau có liên quan đến làm tăng nguy cơ độc tính trên thần kinh: sử dụng thuốc có công thức giải phóng có kiểm soát, liều cao hơn mức điều trị kéo dài.

 

Cập nhật các thận trọng mới với thuốc tiêm hyoscine butylbromide

      Các cán bộ y tế được nhắc lại rằng thuốc tiêm hyoscine butylbromide có thể gây ra nhịp tim nhanh, hạ huyết áp và sốc phản vệ và do vậy thuốc cần được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tình trạng bệnh tim mạch trước đó.

      Tờ hướng dẫn sử dụng của hyoscine butylbromide đã liệt kê nhịp tim nhanh, hạ huyết áp và sốc phản vệ là phản ứng có hại tiềm tàng, song tờ hướng dẫn sử dụng hiện tại được cập nhật để bao gồm các cảnh báo mạnh mẽ hơn trong mục thận trọng vì các biến cố có hại này có thể nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân có bệnh tim mạch. Tờ hướng dẫn sử dụng cập nhật khuyến cáo cần sử dụng thận trọng thuốc tiêm hyoscin butylbromide ở bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, như suy tim, bệnh động mạch vành, loạn nhịp tim, tăng huyết áp và phẫu thuật tim mạch. Theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân này và chuẩn bị sẵn phương tiện để cấp cứu khi cần thiết.

Nguồn: https://www.tga.gov.au/sites/default/files/medicines-safety-update-volume-8-number-4-august-september-2017.pdf

Điểm tin: DS. Nguyễn Thị Tuyến