CDC Hoa Kỳ: Ước tính tạm thời về hiệu quả phòng tránh nguy cơ nhập viện hoặc cấp cứu của vắc xin COVID-19 trong thời gian biến thể Delta lưu hành

 

Dữ liệu về hiệu quả vắc xin phòng COVID-19 kể từ khi biến thể Delta trở thành biến thể lưu hành chủ yếu tại Mỹ còn hạn chế (1-3). CDC đã sử dụng mạng lưới VISION để đánh giá dữ liệu từ 32 817 trường hợp từ 187 bệnh viện và 221 khoa cấp cứu, phòng khám cấp cứu của 9 bang trong thời gian từ tháng 6-8/2021, kể từ ngày số lượng xét nghiệm phát hiện biến thể Delta chiếm ít nhất 50% tổng số xét nghiệm giải trình tự gen tại bang đó.

 

Các trường hợp được đưa vào nghiên cứu bao gồm người trường thành trên 18 tuổi đã được xét nghiệm SARS-CoV-2 (chủ yếu bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 14 ngày trước hoặc 72 giờ sau khi nhập viện hoặc đến khám) và có chẩn đoán lúc xuất viện là “bệnh tương tựCOVID-19”. Tình trạng tiêm chủng được lưu trong dữ liệu bệnh án điện tử và cơ sở dữ liệu tiêm phòng. “Đã tiêm phòng đầy đủ” được định nghĩa là đã được tiêm liều thứ hai vắc xin BNT162b2 (Pfizer-BioNTech) hoặc mRNA-1273 (Moderna), hoặc đã được tiêm một liều vắc xin Ad26.COV2 (Janssen [Johnson & Johnson]) ≥ 14 ngày trước ngày xét nghiệm hoặc đến khám. Bệnh nhân chưa từng được tiêm vắc xin COVID-19 được coi là “chưa tiêm phòng”. Bệnh nhân mới tiêm một liều vắc xin mARN hoặc mới tiêm liều vắc xin thứ hai < 14 ngày trước thời điểm xét nghiệm hoặc đến khám được loại trừ khỏi phân tích. Hiệu quả vắc xin được ước tính dựa trên thiết kế nghiên cứu “xét nghiệm âm tính”, tính toán và so sánh odds có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính giữa nhóm đã tiêm phòng đầy đủ và nhóm chưa tiêm phòng (nhóm đối chứng). Hiệu quả vắc xin được hiệu chỉnh theo tuổi, vị trí địa lý, ngày Dương lịch (số ngày kể từ ngày 01/01 đến ngày xét nghiệm hoặc đến khám), tình trạng lưu hành virus, sử dụng trọng số xác suất đảo để tính khuynh hướng tiêm phòng đầy đủ hoặc không tiêm phòng (được tính độc lập cho từng mô hình tính hiệu quả vắc xin). Ước tính hiệu quả vắc xin có khoảng tin cậy 95% (95% CI) không chồng chéo được coi là khác biệt có ý nghĩa thống kê.

 

Trong số các bệnh nhân đã tiêm phòng đầy đủ, tỉ lệ tiêm các loạivắc xin trong số các trường hợp nhập viện và đến khám cấp cứu, lần lượt, là: Pfizer-BioNTech, 55.3% và 53.6%; Moderna, 38.8% và 36.1%; và Janssen, 6.0% và 10.3%. Trung vị khoảng thời gian từ khi tiêm phòng đầy đủ đến khi nhập viện hoặc đến khám cấp cứu, lần lượt, là 110 và 93 ngày (Pfizer-BioNTech), 106 và 96 ngày (Moderna) và 94 và 94 ngày (Janssen).

 

Trong số những người trưởng thành nhập viện vì bệnh lý tương tựCOVID-19 (14 636 trường hợp, trung vị 65 tuổi, khoảng tứ phân vị [IQR] 48 – 77 tuổi), 18,9% (1 316 trên 6 960) số người chưa tiêm phòng và 3,1% (235 trên 7 676) số người đã tiêm phòng đầy đủ có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm SARS-CoV-2. Về tổng thể, hiệu quả vắc xin phòng ngừa nhập viện do COVID-19 là 86% (95% CI = 82 – 89%). Hiệu quả vắc xin thấp hơn đáng kể ở nhóm người ≥ 75 tuổi (76%) so với nhóm người từ 18 – 74 tuổi (89%) (xem Bảng 1). Sự khác biệt này về ước tính hiệu quả vắc xin giữa các nhóm tuổi là tương đương nhau khi so sánhvắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna. Trên tổng thể mọi lứa tuổi, hiệu quả vắc xin cao hơn đáng kể ở nhóm người tiêm vắc xin Moderna (95%) so với nhóm Pfizer-BioNTech (80%) hoặc nhóm Janssen (60%).

 

Trong số những người trưởng thành đến khám cấp cứu vì bệnh lý tương tựCOVID-19 (18 231 trường hợp, trung vị 43 tuổi, IQR 29 – 62 tuổi), 28,9% (3 145 trên 10 872) số người chưa tiêm phòng và 7,0% (512 trên 7 359) số người đã tiêm phòng đầy đủ có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm SARS-CoV-2. Hiệu quả vắc xin phòng ngừa trường hợp đến khám cấp cứu là 82% (95% CI = 81 – 84%). Hiệu quả vắc xin cao nhất ở nhóm người tiêm vắc xin Moderna (92%), theo sau là nhóm Pfizer-BioNTech (77%) và nhóm Janssen (65%) (xem Bảng 1).

 

Trong phân tích tạm thời trên nhiều bang này, gồm 32 867 trường hợp người trưởng thành mọi lứa tuổi trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2021 (thời gian biến thể Delta lưu hành chủ yếu), hiệu quả của 3 loại vắc xin vẫn cao trong việc phòng tránh nhập viện (86%) và đến khám cấp cứu (82%). Ước tính chung về hiệu quả vắc xin tương tự như những tháng trước khi biến thể Delta lưu hành chủ yếu (2,4). Tuy nhiên, hiệu quả vắc xin phòng tránh nhập viện trên người trưởng thành ≥ 75 tuổi thấp hơn đáng kể hiệu quả trên người trưởng thành < 75 tuổi, điều mà trước đây chưa quan sát được từ nguồn dữ liệu này (4). Sự giảm hiệu quả này cần được biện giải thận trọng và có khả năng liên quan đến sự thay đổi của SARS-CoV-2, giảm miễn dịch thu được nhờ vắc xin theo thời gian, hoặc kết hợp cả 2 yếu tố trên. Sự khác biệt về hiệu quả giữa 2 loại vắc xin mARN (chưa thấy được trên mạng lưới VISION (4), đồng thuận với một phát hiện gần đây. Cần kiểm tra thêm mức độ khác biệt và nguyên do giữa hiệu quả của các vắc xin đã được cấp phép.

 

Các kết luận của báo cáo này có ít nhất ba hạn chế. Thứ nhất, báo cáo chưa phân tích hiệu quả vắc xin theo thời gian kể từ khi tiêm phòng; nhóm đang tiếp tục tiến hành phân tích khả năng vắc xin giảm hiệu quả bảo vệ theo thời gian. Thứ hai, báo cáo chưa phân tích hiệu quả vắc xin đối với người mới tiêm một liều vắc xin. Thứ ba, tuy quần thể nghiên cứu có tính đại diện cho dân số 9 bang, kết quả nghiên cứu có thể không đại diện cho quần thể dân số Mỹ.

 

Những kết quả trên tái khẳng định khả năng bảo vệ của vắc xin COVID-19 phòng tránh mắc COVID-19 trung bình và nặng, dẫn đến nhập viện hoặc đến khám cấp cứu; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ và lợi ích của vắc xin trong thời gian biến thể Delta lưu hành.

 

Bảng 1. Hiệu quả của vắc xin COVID-19 phòng tránh nhập viện và đến khám cấp cứu trong thời gian biến thể Delta lưu hành,

theo tiêu chí nghiên cứu, nhóm tuổi và loại vắc xin, dữ liệu từ 9 bang của Mỹ, tháng 6-8/2021

 

Tiêu chí nghiên cứu

Tổng số

Số xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (%)

Hiệu quả vắc xin, % (95% CI)

Người trưởng thành ≥ 18 tuổi, mọi loại vắc xin

Nhập viện do COVID-19

Chưa tiêm phòng (nhóm chứng)

6 960

1 316 (18.9)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

7 676

235 (3.1)

86 (82 – 89)

Khám cấp cứu do COVID-19

Chưa tiêm phòng (nhóm chứng)

10 872

3 145 (28.9)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

7 359

512 (7.0)

82 (81 – 84)

Nhập viện do COVID-19, mọi loại vắc xin, theo tuổi

18-74 tuổi

Chưa tiêm phòng (nhóm chứng)

5 708

1 185 (20.8)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

4 551

134 (2.9)

89 (85 – 92)

≥ 75 tuổi

Chưa tiêm phòng (nhóm chứng)

1 252

131 (10.5)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

3 125

101 (3.2)

76 (64 – 84)

Nhập viện do COVID-19, theo từng loại vắc xin

BNT162b2 (Pfizer-BioNTech)

Chưa tiêm phòng (nhóm chứng)

6 960

1 316 (18.9)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

4 243

135 (3.2)

80 (73 – 85)

mRNA-1273 (Moderna)

Chưa tiêm phòng

6 960

1 316 (18.9)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

2 975

70 (2.4)

95 (92 – 97)

Ad26.COV2.S (Janssen)

Chưa tiêm phòng (nhóm chứng)

6 960

1 316 (18.9)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

458

30 (6.5)

60 (31 – 77)

Khám cấp cứu do COVID-19, theo từng loại vắc xin

BNT162b2 (Pfizer-BioNTech)

Chưa tiêm phòng (nhóm chứng)

10 872

3 145 (28.9)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

3 946

314 (8.0)

77 (74 – 80)

mRNA-1273 (Moderna)

Chưa tiêm phòng

10 872

3 145 (28.9)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

2 656

98 (3.7)

92 (89 – 93)

Ad26.COV2.S (Janssen)

Chưa tiêm phòng (nhóm chứng)

10 872

3 145 (28.9)

-

Đã tiêm phòng đầy đủ

757

100 (13.2)

65 (56 – 72)

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Thompson MG, Burgess JL, Naleway AL, et al. Prevention and attenuation of Covid-19 with the BNT162b2 and mRNA-1273 vaccines. N Engl J Med 2021;385:320–9. PMID:34192428 https://doi.org/10.1056/NEJMoa2107058

2. Tenforde MW, Self WH, Naioti EA, et al.; IVY Network Investigators; Ivy Network. Sustained effectiveness of Pfizer-BioNTech and Moderna vaccines against COVID-19 associated hospitalizations among adults— United States March–July 2021. MMWR Morb Mortal Wkly Rep 2021;70:1156–62. PMID:34437524 https://doi.org/10.15585/mmwr.mm7034e2

3. Haas EJ, Angulo FJ, McLaughlin JM, et al. Impact and effectiveness of mRNA BNT162b2 vaccine against SARS-CoV-2 infections and COVID-19 cases, hospitalisations, and deaths following a nationwide vaccination campaign in Israel: an observational study using national surveillance data. Lancet 2021;397:1819–29. PMID:33964222 https://doi.org/10.1016/S0140-6736(21)00947-8

 

 

Nguồn: http://dx.doi.org/10.15585/mmwr.mm7037e2

Điểm tin: CTV. Tăng Quốc An, CTV. Nguyễn Hà Nhi, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Các tin liên quan