Medsafe: Một số thuốc có thể gây khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ

Nhược cơ là một rối loạn dẫn truyền thần kinh cơ do các tự kháng thể ngăn chặn hoặc phá hủy các thụ thể acetylcholine nicotinic (AChR) hoặc các protein khác tại điểm nối thần kinh cơ của cơ xương. 

 

Triệu chứng đặc trưng của bệnh nhược cơ là sự yếu đi không tự chủ của các cơ điều khiển hoạt động của mắt, biểu cảm khuôn mặt, nói, nuốt, chuyển động chân tay và hô hấp. Các triệu chứng bao gồm sụp mí mắt, nhìn đôi, khó nhai hoặc nuốt, rối loạn giọng nói, yếu chân tay và hụt hơi. Bệnh nhược cơ có thể ảnh hưởng đến nhiều nhóm cơ hoặc chỉ ảnh hưởng đến cơ mắt.

 

Bệnh nhược cơ có thể xuất hiện trên bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường khởi phát ở phụ nữ dưới 40 tuổi và nam giới trên 60 tuổi.

 

Nhiều yếu tố có thể gây khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm bệnh MG, bao gồm việc sử dụng các thuốc có nguy cơ(được mô tả bên dưới), căng thẳng, mệt mỏi, nhiễm trùng, hoạt động thể chất quá mức, khí hậu ấm áp, phẫu thuật và thay đổi trong phác đồ điều hòa miễn dịch.

 

Bệnh nhược cơ liên quan đến thuốc

Thuốc ức chế miễn dịch, thuốc ức chế tyrosine kinase và statin có thể gây khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng nhược cơ hiện có do gây phản ứng tự miễn dịch tại điểm nối thần kinh cơ.

 

Các thuốc khác như aminoglycosid, thuốc kháng muscarinic, thuốc chẹn thần kinh cơ và benzodiazepin, tác động đến sự dẫn truyền thần kinh cơ, từ đó có thể làm nặng  thêm hoặc biểu hiện các triệu chứng bệnh nhược cơ.

 

Bảng 1: Các phân nhóm thuốc và một số thuốc cụ thể có liên quan đến tình trạng nhược cơ

 

Nhóm thuốc

Thuốc cụ thể*

Nhóm thuốc

Thuốc cụ thể*

Thuốc ức chế miễn dịch

Atezolizumab

Durvalumab

Ipilimumab

Nivolumab

Pembrolizumab

Thuốc chẹn thần kinh cơ

Botulinum type A

Atracurium

Mivacurium

Rocuronium

Vecuronium

Suxamethonium

Statin

Atorvastatin

Pravastatin

Rosuvastatin

Simvastatin

Benzodiazepin

Clonazepam

Diazepam

Lorazepam

Temazepam

Thuốc ức chế tyrosin kinase

Lenvatinib

Thuốc chẹn beta

Propranolol

Nadolol

Aminoglycosid


Gentamycin

Amikacin

Tobramycin

Fluoroquinolon

Norfloxacin

Ciprofloxacin

Moxifloxacin

Thuốc kháng muscarinic

Atropine (đường toàn thân)

Hyoscine (scopolamine)

Propantheline

Macrolid

Azithromycin

Clarithromycin

Erythromycin Roxithromycin

Lưu ý: Danh sách chưa đầy đủ

 

Bệnh nhân hiện mắc bệnh nhược cơ

Không khuyến cáo sử dụng các thuốc kể trên và cần thận trọng khi sử dụng các thuốc này trên những bệnh nhân hiện đang mắc bệnh nhược cơ

 

Cần tra cứu thông tin sản phẩm và các hướng dẫn điều trị, hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia (nếu cần)  trước khi kê đơn cho bệnh nhân hiện đang mắc nhược cơ về nguy cơ gặp phản ứng tự miễn dịch hoặc ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh cơ. 

 

Bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh nhược cơ liên quan đến thuốc

Tham khảo thông tin sản phẩm  và cân nhắc ngừng thuốc nếu cần. Thực hiện chẩn đoán và điều trị nhược cơ theo hướng dẫn lâm sàng tại đơn vị.

 

Statin và bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ gần đây được xác định là một tác dụng không mong muốn hiếm gặp liên quan đến statin. Medsafe đã yêu cầu các đơn vị phân phối thuốc tại New Zealand cập nhật tờ thông tin các sản phẩm có liên quan.

 

Một số báo cáo đã được ghi nhận cho thấy statin gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng nhược cơ hoặc nhược cơ mắt, bao gồm các báo cáo về tình trạng tái phát bệnh khi dùng lại một loại statin hoặc một loại statin khác. Do đó, nên ngừng sử dụng thuốc statin nếu xuất hiện các tình trạng này.

 

Khuyến cáo những bệnh nhân đang sử dụng statin nên cảnh giác và thông báo với bác sĩ nếu ghi nhận bất kỳ triệu chứng mới có liên quan đến nhược cơ, hoặc các triệu chứng nặng hơn của bệnh nhược cơ hiện có.

 

Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2024, Medsafe và Trung tâm theo dõi phản ứng có hại (CARM) đã nhận được 5 báo cáo về bệnh nhược cơ, bao gồm:

+) 3 báo cáo có thuốc nghi ngờ là pembrolizumab

+) 2 báo cáo có thuốc nghi ngờ là atorvastatin


Nguồn:medsafe.govt.nz/profs/PUArticles/September2024/Medicines-may-cause-or-exacerbate-myasthenia-gravis.html

Điểm tin: SV. Nguyễn Hải Đăng; SV. Phạm Thị Thu Hà
Hiệu đính: DS. Hoàng Hải Linh; Phụ trách: ThS. Nguyễn Mai Hoa