Gần đây, Trung tâm theo dõi Phản ứng có hại của thuốc tại New Zealand (MARC) đã đánh giá nguy cơ gặp hội chứng serotonin khi phối hợp opioid và thuốc serotonergic.
Hội chứng serotonin tuy hiếm gặp nhưng có thể đe dọa đến tính mạng
Đây là một hội chứng gây ra do thuốc với cơ chế là sự gia tăng quá mức serotonin (5-hydroxytryptamine, 5-HT) – một chất dẫn truyền thần kinh giữa các synap ở não.
Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng này có thể từ nhẹ đến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng, bao gồm: tiêu chảy, đổ mồ hôi quá mức, kích động, run rẩy, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt, tăng nhịp tim, tăng phản xạ và hội chứng clonus (co thắt cơ không tự chủ).
Hội chứng serotonin thường liên quan đến việc sử dụng kết hợp hai hoặc nhiều các thuốc serotonergic, bao gồm hầu hết các thuốc chống trầm cảm, gồm thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrin (SNRIs) và các thuốc trầm cảm ba vòng (TCAs).
Việc phối hợp thuốc nhóm serotonergic và opioid có thể có tương tác thuốc dẫn đến hội chứng serotonin. Vì thế khi sử dụng đồng thời hai nhóm thuốc này, nếu có nghi ngờ xuất hiện hội chứng serotonin, tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, cần phải xem xét ngừng ít nhất một trong các thuốc đang sử dụng và chăm sóc tích cực cho bệnh nhân.
Nguy cơ mắc hội chứng serotonin là khác nhau với từng phối hợp opioid và thuốc serotonergic
Pethidin, tramadol và dextromethorphan (một hoạt chất phổ biến trong thuốc ho) là các thuốc opioid làm tăng nguy cơ mắc hội chứng serotonin khi dùng chung với các thuốc chống trầm cảm được nêu ở trên. Chống chỉ định sử dụng đồng thời các loại thuốc này với thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs). Những người lạm dụng thuốc ho chứa dextromethorphan có nguy cơ mắc hội chứng serotonin cao hơn.
Methadon và fentanyl cũng có tính serotonergic và có nguy cơ trung bình dẫn đến hội chứng serotonin. Có thể xảy ra tương tác khi kết hợp các opioid này với các thuốc chống trầm cảm. Tương tác này thường xuất hiện ở các trường hợp dùng thuốc chống trầm cảm kết hợp với liều cao methadon trong liệu pháp thay thế opioid, hay liều cao fentanyl trong gây mê hoặc phục hồi sau phẫu thuật.
Morphin, codein, buprenorphin và oxycodon gần như không có tương tác với các thuốc chống trầm cảm, trong khi dihydrocodein có khả năng tương tác nhưng nguy cơ thấp.
Ngoài ra, hội chứng serotonin có khả năng xảy ra khi người bệnh sử dụng kết hợp nhóm thuốc chống trầm cảm và các chất gây nghiện (ma túy), ví dụ như methylendioxy-methamphetamin (MDMA hoặc ecstasy). Một số chế phẩm thảo dược như St John’s wort cũng làm tăng nồng độ serotonin và có khả năng gây ra tương tác với các thuốc serotonergic opioid.
Bảng 1: Nguy cơ mắc phải hội chứng serotonin khi sử dụng kết hợp thuốc chống trầm cảm và nhóm thuốc opioid
Opioid
Thuốc chống trầm cảm
Rủi ro thấp
SSRIs, SNRIs, TCAs, St John’s wort, lithium
Rủi ro cao
MAOIs (hoặc tiền sử mắc hội chứng serotonin)
Rủi ro thấp (Morphin, codein, buprenorphin, oxycodon)
An toàn
Hiếm khi gặp tương tác
Phối hợp thận trọng
Rủi ro trung bình (Fentanyl, methadon)
Hiếm khi gặp tương tác
Phối hợp thận trọng
Tăng nguy cơ mắc hội chứng serotonin
Rủi ro cao (Tramadol, pethidin, dextromethorphan)
Tăng nguy cơ mắc hội chứng serotonin
Chống chỉ định
Nguồn: Perananthan V and Buckley NA. 2021. Opioids and antidepressants: which combinations to avoid. Australian Prescriber 44(2): 41–4. DOI: https://doi.org/10.18773/
Một số thuốc opioid hoạt động như chất ức chế tái hấp thu serotonin trong thử nghiệm in vitro
Kênh vận chuyển serotonin (SERT) cho phép duy trì nồng độ serotonin (5-HT) trong huyết tương và giữ vai trò quan trọng trong việc tái hấp thu nhanh serotonin vào màng trước synap. Các thuốc ức chế SERT làm tăng nồng độ serotonin trong khe synap, từ đó kích hoạt quá mức các thụ thể 5-HT ở màng sau synap, có thể dẫn đến hội chứng serotonin.
Một số thử nghiệm in vitro đã nghiên cứu về cơ chế các opioid có thể làm tăng nồng độ serotonin trực tiếp hoặc gián tiếp. Dextromethorphan, methadon, pethidin và tramadol ức chế SERT trong thử nghiệm in vitro. Fentanyl không ức chế SERT nhưng lại cho thấy ái lực cao với receptor 5-HT1A và 5-HT2A. Dựa vào các trường hợp mắc hội chứng serotonin đã được báo cáo khi sử dụng fentanyl, có thể có một số tác dụng không phụ thuộc SERT trên hệ thống 5-HT in vivo. Codein, buprenorphin, oxycodon và dihydrocodein không ức chế SERT và cũng không có ái lực với thụ thể 5-HT.
Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu để chứng minh ý nghĩa lâm sàng của những kết quả in vitro này.
Nguồn: Prescriber Update Vol 43 No.3 Sep 2022 (medsafe.govt.nz)
Điểm tin: CTV. Lê Đình Văn, CTV. Phùng Ngọc Mai, CTV. Nguyễn Hà Nhi
Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến