Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM) nhắc lại các biện pháp dự phòng nguy cơ gặp phản ứng quá mẫn tức thì do thuốc cản quang

 

ANSM thường xuyên nhận được các báo cáo phản ứng quá mẫn tức thì liên quan đến các thuốc cản quang dùng để chẩn đoán. Những phản ứng này, mặc dù hiếm gặp, có thể đe dọa tính mạng và đôi khi gây tử vong cho bệnh nhân. Để giảm nguy cơ gặp phản ứng này, ANSM nhắc nhở các cán bộ y tế, là những người thực hiện các xét nghiệm hình ảnh với chất cản quang, về các biện pháp phòng ngừa cần tuân thủ và các thủ tục phải tuân thủ.

Bệnh nhân cần được thông báo về nguy cơ gặp phản ứng, đặc biệt là bệnh nhân hen và bệnh nhân dị ứng.

 

Các biện pháp dự phòng chung trước khi sử dụng chất cản quang gồm có

- Việc tiêm thuốc cản quang phải đều phải được bác sĩ X quang đồng ý và xác nhận, sau khi đánh giá tỷ lệ lợi ích/nguy cơ cho mỗi bệnh nhân.

- Hỏi tiền sử để xác định nếu bệnh nhân có nguy cơ cao gặp phản ứng quá mẫn tức thì khi sử dụng chất cản quang.

- Thông báo cho bệnh nhân về nguy cơ gặp loại phản ứng quá mẫn này.

- Việc dùng thuốc trước không ngăn chặn được sự xuất hiện của các phản ứng nghiêm trọng.

- Cần theo dõi bệnh nhân trong và sau khi sử dụng thuốc cản quang (30 phút) và phải chuẩn bị sẵn biện pháp hồi sức cấp cứu ngay lập tức trong trường hợp dị ứng nghiêm trọng.

- Phản ứng quá mẫn tức thì là phản ứng không thể dự đoán và có thể xảy ra ở những bệnh nhân chưa bao giờ sử dụng thuốc cản quang hoặc những bệnh nhân đã sử dụng và không gặp biến cố bất lợi. Phản ứng này có thể xuất phát do bản chất dị ứng hoặc không dị ứng của bệnh nhân.

Những bệnh nhân có nguy cơ gặp phản ứng quá mẫn tức thì do bản chất dị ứng

Những bệnh nhân có tiền sử gặp phản ứng quá mẫn tức thì có nguy cơ gặp phản ứng mới cao hơn nếu được sử dụng lại cùng một loại hoặc một thuốc cản quang khác. Nguy cơ dị ứng vẫn tồn tại bất kể đường dùng và liều dùng của chất cản quang.

 

Những bệnh nhân có nguy cơ gặp phản ứng quá mẫn tức thì do bản chất không dị ứng

- Với các bệnh nhân hen suyễn: Nên kiểm soát hen trước khi tiêm chất cản quang. Cần chú ý đặc biệt trong trường hợp lên cơn hen trong vòng 8 ngày trước khi khám hoặc trong trường hợp hen nặng do tăng nguy cơ co thắt phế quản. Do đó, cần thiết phải tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.

- Bệnh nhân dị ứng (dị ứng với các chất gây dị ứng ngoài môi trường được đưa vào cơ thể một cách tự nhiên, chẳng hạn như: dị ứng thực phẩm, hen suyễn dị ứng, v.v.). Tình trạng dị ứng có thể thúc đẩy giải phóng histamin. Những phản ứng này xảy ra trên bề mặt da (ban đỏ, nổi mề đay cục bộ) và với mức độ nhẹ, có thể được ngăn chặn bằng cách sử dụng thuốc kháng histamin H1 trước đó.

 

Các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ ở những bệnh nhân đã có phản ứng quá mẫn trước đó

- Với bất kỳ bệnh nhân nào đã từng gặp phản ứng quá mẫn sau khi tiêm thuốc cản quang, việc xác định cơ chế của phản ứng này, do bản chất dị ứng hoặc không dị ứng, là rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các xét nghiệm chẩn đoán X quang tiếp theo.

- Cần điều tra hoặc đánh giá về khả năng dị ứng. Nếu cơ chế dị ứng được xác định, bệnh nhân sẽ bị chống chỉ định sử dụng chất cản quang suốt đời.

- Cần thông báo rõ ràng cho bệnh nhân về kết quả rà soát tiền sử dị ứng và về các thuốc cản quang có xét nghiệm dương tính để chống chỉ định sử dụng hoặc xét nghiệm âm tính để có thể được sử dụng.

 

Thông tin quan trọng cho những bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang

- Các thuốc cản quang được sử dụng để thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán (CT, MRI, siêu âm, v.v) với mục đích tăng mức độ tương phản để xác định rõ hơn một cơ quan hoặc một bệnh lý. Thuốc thường được tiêm tĩnh mạch một vài phút trước khi chụp.

- Tất cả các thuốc cản quang có thể gây ra phản ứng nhẹ hoặc đôi khi nghiêm trọng (sốc phản vệ). Các phản ứng này được gọi là "phản ứng quá mẫn tức thì", thường không thể dự đoán trước và có thể xảy ra ngay sau khi tiêm.

- Bệnh nhân cần thông báo ngay với đội ngũ y tế trong các trường hợp sau:

- Bệnh nhân bị dị ứng với thuốc cản quang.

- Bệnh nhân đã có một phản ứng bất thường khi sử dụng một thuốc cản quang trước đây.

- Bệnh nhân bị hen suyễn hoặc có các biểu hiện của dị ứng, ví dụ như do bệnh chàm, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, do sẽ có khả năng cao hơn gặp phản ứng quá mẫn.

- Bệnh nhân gặp các triệu chứng sau: sưng, ngứa, ban đỏ, nổi mề đay sau khi tiêm thuốc cản quang.  

 

Nguồn: https://www.ansm.sante.fr/S-informer/Points-d-information-Points-d-information/Produits-de-contraste-et-risques-de-reactions-d-hypersensibilite-immediate-l-ANSM-rappelle-les-precautions-a-prendre-Point-d-Information

Điểm tin: CTV. Phan Thị Thúy Hằng, Ths.DS. Nguyễn Thị Tuyến