BIP Occitanie số 2/2024: Nguy cơ giảm bạch cầu khi sử dụng clozapin

Clozapin là thuốc duy nhất được phê duyệt để điều trị tâm thần phân liệt kháng thuốc, tuy nhiên ít được sử dụng do lo ngại về nguy cơ giảm bạch cầu và hạn chế theo dõi công thức máu thường quy. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng về tác dụng không mong muốn có thể gây tử vong này. 

 

Một nghiên cứu tại Phần Lan, khảo sát các bệnh nhân không giảm bạch cầu có chẩn đoán tâm thần phân liệt hoặc rối loạn phân liệt cảm xúc từ năm 1972 đến năm 2014 (N = 61.769; tuổi trung bình 46,7 tuổi; 50,3% là nam giới). Nghiên cứu sử dụng đường cong Kaplan-Meier để ước tính nguy cơ giảm bạch cầu tích lũy theo từng loại bệnh trong vòng 22 năm (1996 đến 2017). Sau đó tiến hành một nghiên cứu bệnh chứng lồng ghép (nested case-control study) để đánh giá mối liên hệ giữa thời gian sử dụng clozapin và các thuốc khác với biến cố giảm bạch cầu.

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ tích lũy tuyệt đối giảm bạch cầu khi sử dụng clozapin là 1,37% (khoảng tin cậy 95% CI: 0,58 - 3,16), và 0,13% (95% CI: 0,04 - 0,23) đối với các thuốc chống loạn thần khác. Nghiên cứu ghi nhận 398 ca bệnh tương ứng với 1987 ca chứng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra nguy cơ giảm bạch cầu liên quan đến clozapin giảm mạnh theo thời gian sử dụng thuốc: Tỷ suất chênh (OR) hiệu chỉnh là 36,01 (95% CI: 16,79 - 77,22) khi sử dụng thuốc dưới 6 tháng và là 4,38 (95% CI: 1,86 - 10,34) khi sử dụng thuốc kéo hơn 54 tháng. Trên bệnh nhân sử dụng các thuốc chống loạn thần khác, nguy cơ giảm bạch cầu cũng tăng trong 6 tháng đầu điều trị, nhưng OR hiệu chỉnh chỉ là 4,23 (95% CI: 2,02 - 8,88).

 

Nghiên cứu kết luận rằng nguy cơ giảm bạch cầu khi sử dụng clozapin giảm theo thời gian sử dụng thuốc, tuy nhiên, vẫn cao hơn so với các thuốc chống loạn thần khác. Các tác giả cho rằng lợi ích của clozapin vẫn vượt trội hơn nguy cơ giảm bạch cầu kéo dài và đề xuất giảm tần suất theo dõi công thức máu sau vài năm đầu điều trị.

 

Nghiên cứu cho thấy kết quả khả quan về việc sử dụng clozapin dài ngày, tuy nhiên, ngưỡng chẩn đoán giảm bạch cầu không thống nhất và không có dữ liệu về giá trị bạch cầu trung tính của bệnh nhân là các hạn chế của nghiên cứu này. Cần triển khai thêm nghiên cứu để đánh giá khả năng khái quát của kết quả trên, quan tâm đến việc giám sát điều trị của từng nước và sự khác biệt về chủng tộc liên quan đến nguy cơ giảm bạch cầu khi sử dụng clozapin.


Tài liệu tham khảo

Rubio et al. Long-term persistence of the risk of agranulocytosis with clozapine compared with other antipsychotics: a nationwide cohort and case-control study in Finland. Lancet Psychiatry. 2024 Jun;11(6):443-450.


Nguồn: bip_occitanie_2024_no2.pdf (chu-toulouse.fr)

Điểm tin: DS. Nguyễn Hà Nhi

Hiệu đính và phụ trách: ThS. Nguyễn Mai Hoa