Trong năm 2024, 101 báo cáo ca mô tả phản ứng có hại liên quan đến methotrexat được ghi nhận tại New Zealand. Trong đó, 89 trường hợp được đánh giá ở mức độ nghiêm trọng. Đặc điểm của bệnh nhân trong các báo cáo được ghi nhận phần lớn là người cao tuổi (tuổi trung vị 66 tuổi), người gốc châu Âu/chủng tộc khác (71 báo cáo), là nữ giới (71 báo cáo) và được chỉ định methotrexat trong điều trị vẩy nến và viêm khớp dạng thấp. Các phản ứng có hại được báo cáo thường xuyên nhất bao gồm: buồn nôn (12 báo cáo), viêm phổi (10 báo cáo), giảm ba dòng tế bào máu (10 báo cáo), loét miệng (7 báo cáo), viêm phổi kẽ (6 báo cáo), mệt mỏi (5 báo cáo), giảm tiểu cầu (5 báo cáo), đau đầu (4 báo cáo), tăng men gan (4 báo cáo), giảm bạch cầu trung tính (4 báo cáo), nhiễm trùng huyết (4 báo cáo).
Để điều trị tình trạng vẩy nến hay viêm khớp dạng thấp, cần lưu ý rằng tần suất sử dụng methotrexat là hàng tuần (1 lần/tuần). Việc sử dụng methotrexat hàng ngày làm tăng nguy cơ gặp độc tính nghiêm trọng của thuốc, thậm chí gây tử vong cho người bệnh. Nguy cơ này cao hơn khi sử dụng methotrexat ở mức liều trên 20 mg mỗi tuần.
Phản ứng có hại liên quan đến methotrexat
Methotrexat có thể gây ra các phản ứng có hại nghiêm trọng trên nhiều hệ cơ quan, cụ thể được trình bày tại bảng dưới đây:
Sử dụng thuốc trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú
Methotrexat chống chỉ định trong thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Do đó, khi đang điều trị bằng methotrexat, bệnh nhân cần sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong suốt thời gian điều trị và sau khi ngừng thuốc (ít nhất 3 tháng đối với nam giới và ít nhất 6 tháng đối với nữ giới).
Methotrexat cũng chống chỉ định sử dụng trong thời kỳ cho con bú.
Khuyến cáo cho nhân viên y tế
Methotrexat chỉ nên được kê đơn bởi các bác sĩ có kinh nghiệm trong việc sử dụng methotrexat và nắm rõ nguy cơ khi sử dụng methotrexat.
Trước khi khởi đầu điều trị với methotrexat, bệnh nhân cần được tiến hành xét nghiệm công thức máu, đánh giá chức năng gan và thận, chụp X-quang ngực. Đồng thời, khai thác tiền sử bệnh gan, sử dụng rượu hoặc tình trạng loét đường tiêu hóa. Dựa trên đánh giá lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm sàng lọc lao, viêm gan B, viêm gan C và xét nghiệm thai kỳ.
Trong quá trình điều trị cần:
- Theo dõi công thức máu, chức năng gan và thận trong suốt quá trình điều trị với methotrexat. Đặc biệt, cần làm các xét nghiệm này thường xuyên hơn trong giai đoạn đầu của điều trị, khi tăng liều methotrexat, khi bệnh nhân có chức năng thận biến đổi, khi sử dụng đồng thời với các thuốc có tương tác với methotrexat hoặc ở bệnh nhân nguy cơ cao (như bệnh nhân cao tuổi).
- Có thể bổ sung acid folic và acid folinic khi sử dụng methotrexat để giảm nguy cơ gặp độc tính trên đường tiêu hóa.
- Khuyến cáo bệnh nhân, gia đình hoặc người chăm sóc cần thông báo ngay lập tức cho bác sĩ điều trị nếu xuất hiện triệu chứng ngộ độc methotrexat, bao gồm: đau họng, bầm tím, loét miệng, buồn nôn, nôn, bụng khó chịu, nước tiểu sẫm màu, khó thở hoặc ho.
- Theo dõi bệnh nhân thường xuyên để đánh giá đáp ứng điều trị, phát hiện độc tính và xử trí kịp thời.
Đảm bảo bệnh nhân, gia đình hoặc người chăm sóc hiểu đúng số lượng viên thuốc cần uống, ngày uống thuốc trong tuần và cách xử lý khi quên liều.
Nguồn: https://medsafe.govt.nz/profs/PUArticles/PDF/Prescriber-Update-46-No.1-March-2025.pdf
Điểm tin: SV. Cao Hoàng Huy & SV. Phan Hoàng Anh
Hiệu đính: DS. Bùi Thị Phương Thảo, Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Mai Hoa