Có nên xét nghiệm và điều trị vi khuẩn niệu không có triệu chứng hay không?

Tình trạng xuất hiện vi khuẩn niệu không triệu chứng (asymptomatic bacteriuria -ASB) thường gặp trong nhiều quần thể, bao gồm cả phụ nữ khỏe mạnh và những bệnh nhân có các bất thường đường niệu. ASB được xác định là sự có mặt của 1 hoặc nhiều chủng vi khuẩn trong nước tiểu đạt ngưỡng nhất định (≥105 đơn vị hình thành khuẩn lạc [CFU]/mL hoặc ≥108 CFU/L), có hoặc không có mủ trong nước tiểu, mặt khác không có các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn đường niệu (urinary tract infection - UTI). Trong hầu hết các trường hợp, ASB ít có nguy cơ tiến triển thành bệnh lý nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Không điều trị ASB giúp giảm sử dụng kháng sinh, tránh nguy cơ kháng kháng sinh và các tác dụng không mong muốn (TDKMM) không cần thiết. Trên một số quần thể bệnh nhân có tỉ lệ mắc ASB cao lại thường có các dấu hiệu và triệu chứng không tại chỗ, khiến các nhân viên y tế khó chẩn đoán chính xác bệnh lý nhiễm trùng.

 

 

Đầu năm 2019, Hội Bệnh lý Nhiễm trùng Mỹ (Infectious Diseases Society of America - IDSA) mới đây đã cập nhật các hướng dẫn giúp ích cho việc ra quyết định về vi khuẩn niệu không có triệu chứng. Các bằng chứng do IDSA đưa ra cũng tương tự với kết quả của một tổng quan hệ thống năm 2018 của Hội tiết niệu châu Âu (European Association of Urology - EAU), tiến hành trên 50 thử nghiệm lâm sàng bao gồm 7088 bệnh nhân. Các nghiên cứu không cho thấy lợi ích của điều trị ASB trong hầu hết các quần thể bệnh nhân. Thậm chí, theo tổng quan của EAU, điều trị ASB trên đối tượng bệnh nhân có UTI lặp lại có thể làm tăng nguy cơ nhiễm UTI có triệu chứng.

 

Mặt khác, theo EAU, trên phụ nữ mang thai, điều trị ASB giúp giảm tỉ lệ nhiễm UTI có triệu chứng, giảm tỉ lệ sinh non và sinh con nhẹ cân. IDSA cũng khuyến cáo ủng hộ xét nghiệm sàng lọc và điều trị ASB trên phụ nữ có thai, với liệu trình kháng sinh 4-7 ngày. IDSA chưa có dữ liệu để ủng hộ hay phản đối việc xét nghiệm lặp lại ASB trên những phụ nữ đã có xét nghiệm âm tính với vi khuẩn niệu trước đó hoặc sau khi đã điều trị hết ASB. Một nghiên cứu ở Hà Lan năm 2015 gợi ý rằng có thể không cần điều trị ASB trên phụ nữ mang thai có ít yếu tố nguy cơ, tuy nhiên IDSA xét thấy chưa đủ bằng chứng để ngoại suy kết quả này.

 

Trên các bệnh nhân sắp tiến hành phẫu thuật cắt bỏ mô qua ống niệu đạo, EAU cho rằng điều trị ASB giúp giảm tỉ lệ nhiễm UTI sau phẫu thuật. Trường hợp bệnh nhân được thực hiện các thủ thuật nội soi tiết niệu có kèm theo tổn thương niêm mạc, IDSA khuyến cáo xét nghiệm và điều trị ASB trước khi tiến hành thủ thuật để tránh biến chứng nhiễm trùng huyết nghiêm trọng sau phẫu thuật. IDSA cũng khuyến cáo bệnh nhân được thực hiện các thủ thuật nội soi tiết niệu nói chung nên được tiến hành cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh phù hợp. Nếu bệnh nhân có ASB, nên dùng kháng sinh với liệu trình ngắn (1 đến 2 liều), bắt đầu 30-60 phút trước thủ thuật.

 

IDSA khuyến cáo không xét nghiệm và điều trị ASB trên các đối tượng bệnh nhân sau:

  • Trẻ em
  • Phụ nữ không mang thai
  • Người cao tuổi bị suy giảm chức năng
  • Bệnh nhân đái tháo đường
  • Bệnh nhân ghép tạng nói chung, bệnh nhân đã ghép thận > 1 tháng. (Không đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo xử trí trong thời gian 1 tháng đầu sau khi ghép thận).
  • Bệnh nhân chấn thương tủy sống gây ảnh hưởng đến chức năng bài tiết. (Lưu ý triệu chứng và dấu hiệu nhiễm khuẩn niệu trên nhóm bệnh nhân này có thể khác với người không tổn thương tủy sống, cân nhắc các triệu chứng này khi quyết định điều trị kháng khuẩn niệu hay không).
  • Bệnh nhân đang đặt ống thông niệu đạo hoặc ống thông trên khớp mu dù là ngắn hạn hay dài hạn. (Không đủ bằng chứng để đưa ra khuyến cáo có nên xét nghiệm và điều trị nhiễm khuẩn niệu tại thời điểm bỏ ống thông hay không).
  • Bệnh nhân được tiến hành giải phẫu không cấp thiết không trên đường niệu. EAU cũng nhận thấy điều trị ASB trước phẫu thuật thay khớp gối hoặc khớp hông không giúp hạn chế nhiễm khuẩn khớp sau thủ thuật.
  • Bệnh nhân sắp đặt hoặc đang sử dụng các thiết bị đường tiết niệu như cơ vòng bàng quang nhân tạo, dương vật nhân tạo. Tuy nhiên vẫn cần sử dụng kháng sinh dự phòng trước thủ thuật.
  •  

Trên đối tượng người cao tuổi, suy giảm chức năng và/ hoặc nhận thức, có vi khuẩn niệu: Trường hợp xuất hiện mê sảng, lú lẫn hoặc bị ngã mà không có các triệu chứng trên đường tiết hiệu- sinh dục và không có các dấu hiệu nhiễm khuẩn khác (vd: sốt, rối loạn huyết học), IDSA khuyến cáo tiến hành các đánh giá khác và theo dõi cẩn thận thay vì bắt đầu sử dụng kháng sinh nhằm tránh các TDKMM không cần thiết. Trong trường hợp có các triệu chứng toàn thân nghi ngờ có nhiễm khuẩn nặng (như nhiễm khuẩn huyết) mà không xác định được vị trí nguồn nhiễm khuẩn, cần sử dụng kháng sinh phổ rộng bao phủ cả các nguồn vi khuẩn niệu và ngoài niệu.

 

Trên đối tượng bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính: Nhóm nguy cơ cao (<100 tế bào/mm3, thời gian ≥ 7 ngày sau hóa trị liệu): IDSA không có dữ kiện để đưa ra khuyến cáo trên nhóm bệnh nhân này. Nhóm nguy cơ thấp (>100 tế bào/mm3, ≤7 ngày, ổn định về lâm sàng) có nguy cơ nhiễm trùng rất thấp, không có bằng chứng cho thấy nhóm này có khả năng nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng cao hơn so với bệnh nhân không giảm bạch cầu.

 

Nguồn:

Clinical Practice Guideline for the Management of Asymptomatic Bacteriuria: 2019 Update by the Infectious Diseases Society of America (https://academic.oup.com/cid/article/68/10/e83/5407612)

 

Benefits and Harms of Treatment of Asymptomatic Bacteriuria: A Systematic Review and Meta-analysis by the European Association of Urology Urological Infection Guidelines Panel (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/28754533)

 

 

Người tổng hợp: ThS. Đoàn Thị Phương Thảo