Một nghiên cứu bệnh chứng lồng ghép thuần tập kéo dài 20 năm chỉ ra kháng sinh nhóm sulfonamid và nhóm cephalosporin có nguy cơ xảy ra SCAR cao nhất, sau đó là kháng sinh nhóm nitrofurantoin, penicillin và fluoroquinolon, với kháng sinh macrolid là nhóm tham chiếu.
Lý do triển khai nghiên cứu
Phản ứng có hại trên da nghiêm trọng (cutaneous adverse drug reaction - SCAR) là phản ứng quá mẫn với thuốc trên da và các cơ quan, có khả năng đe dọa tính mạng. Kháng sinh là một nguyên nhân đã biết gây ra những phản ứng này, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào so sánh nguy cơ tương đối giữa các nhóm kháng sinh.
Mục tiêu
Khảo sát nguy cơ xảy ra SCAR liên quan đến thuốc kháng sinh đường uống thường được kê đơn và đặc điểm bệnh nhân nhập viện vì các phản ứng này.
Thiết kế và Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu bệnh chứng lồng ghép sử dụng cơ sở dữ liệu y tế, lựa chọn những người cao tuổi từ 66 tuổi trở lên đã sử dụng ít nhất 1 loại kháng sinh đường uống trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2022 tại bang Ontario, Canada. Nhóm ca bệnh là bệnh nhân nhập khoa cấp cứu (ED) hoặc nhập viện vì SCAR trong vòng 60 ngày kể từ ngày được kê đơn kháng sinh, và mỗi ca bệnh được ghép với tối đa 4 ca chứng là bệnh nhân không cần nhập viện.
Can thiệp
Sử dụng kháng sinh đường uống
Kết quả chính và tiêu chí nghiên cứu
Ước tính hồi quy logistic có điều kiện được sử dụng để phân tích mối liên quan giữa các nhóm kháng sinh đường uống và nguy cơ xảy ra SCAR, sử dụng macrolid làm nhóm tham chiếu.
Kết quả
Trong giai đoạn nghiên cứu kéo dài 20 năm, 21.758 người cao tuổi (trung vị tuổi là 75; 64,1% là nữ) đã đến khoa cấp cứu hoặc nhập viện vì SCAR sau khi sử dụng kháng sinh và 87.025 trường hợp không phải nhập viện (ca chứng). Kháng sinh nhóm sulfonamid (tỷ lệ chênh đã hiệu chỉnh [aOR], 2,9; khoảng tin cậy 95% Cl 2,7-3,1) và nhóm cephalosporin (aOR, 2,6; 95% Cl 2,5-2,8) có mối liên quan chặt chẽ nhất với SCAR khi so sánh với nhóm macrolid. Kết quả cũng chỉ ra mối liên quan giữa SCAR với nhóm nitrofurantoin (aOR, 2,2; 95% CI, 2,1-2,4), nhóm penicillin (aOR, 1,4; 95% CI, 1,3-1,5) và nhóm fluoroquinolon (aOR, 1,3; 95% CI, 1,2-1,4). Tỷ lệ bệnh nhân đến khoa cấp cứu hoặc nhập viện vì SCAR cao nhất khi sử dụng kháng sinh nhóm cephalosporin (4,92 trên 1000 đơn thuốc; 95% CI 4,86-4,99) và nhóm sulfonamid (3,22 trên 1000 đơn thuốc; 95% CI 3,15-3,28). Trong số 2852 bệnh nhân nhập viện do SCAR, trung vị thời gian nằm viện là 6 ngày (IQR, 3-13 ngày), 9,6% trong số đó cần chuyển đến khoa hồi sức tích cực và 5,3% tử vong tại bệnh viện.
Kết luận
Những kháng sinh đường uống thường được kê đơn có liên quan đến tăng nguy cơ gặp SCAR, trong đó sulfonamid và cephalosporin là 2 nhóm kháng sinh có nguy cơ cao nhất. Nhân viên y tế cần ưu tiên kê đơn kháng sinh có nguy cơ thấp hơn phù hợp với tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.
Hiệu đính: DS. Nguyễn Hà Nhi; Phụ trách: ThS. Nguyễn Mai Hoa