TGA: Vấn đề sử dụng thuốc chống trầm cảm và tự tử ở người trẻ tuổi

 

Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu (TGA) đã tiếp tục điều tra về tính an toàn của việc sử dụng thuốc chống trầm cảm và nguy cơ tự tử ở người trẻ tuổi. Một phân tích gần đây của NPS MedicineWise MedicineInsight về việc sử dụng thuốc chống trầm cảm ở những người trẻ tuổi có sự tham gia của bác sĩ đa khoa đã được hoàn thành. Các phát hiện được xem xét bởi Ủy ban Cố vấn về Thuốc (ACM), với các phát hiện chung, phù hợp với các thông tin trước đó của TGA và ACM.

 

TGA đã công bố một báo cáo đánh giá ban đầu về an toàn thuốc, bao gồm khuyến cáo từ Ủy ban Cố vấn về Thuốc (ACM), và cảnh báo về tính an toàn vào tháng 12/2020.

Đánh giá cho thấy rằng, mặc dù việc sử dụng ngày càng nhiều thuốc chống trầm cảm ở người trẻ đang là mối lo ngại, tuy nhiên bằng chứng hiện có không đủ để kết luận rằng có mối quan hệ nhân quả giữa việc kê đơn thuốc chống trầm cảm và tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên.

 

Phân tích dữ liệu

 

NPS MedicineWise đã hoàn thành phân tích dữ liệu về tỉ lệ của thuốc chống trầm cảm đang được kê đơn, sức khỏe tâm thần và các tình trạng liên quan khác ở người dưới 25 tuổi được thăm khám từ năm 2011 đến năm 2020.

 

ACM đã xem xét báo cáo phân tích trên và nhận thấy các động thái pháp lýtiếp theo nhằmhạn chế tiêu chí về tính đủ điều kiện của người kê đơn hoặc Chương trình phúc lợi dược phẩm không chứng minh được hiệu quả dựa trênbằng chứng hiện tại. Ngoài ra, những hành động như vậy có thể gây bất lợi hơn nữa cho trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là ở các vùng miền, nông thôn và vùng sâu vùng xa, là những nơi tiếp cận với bác sĩ tâm thần, bác sĩ nhi khoa và các liệu pháp tâm lý bị hạn chế. Điều này phù hợp với khuyến cáo trước đây của ACM cho TGA vào tháng 8/2020.

 

Những phát hiện chính của phân tích MedicineInsight là:

- 1/10 (10,8%) người trẻ dưới 25 tuổi có thể đã từng hoặc đang mắc bệnh trầm cảm và/hoặc lo âu được ghi nhận trong giai đoạn 2018–19.

- Trong số những bệnh nhân dưới 25 tuổi mới được chẩn đoán bệnh trầm cảm  được ghi nhận trong năm 2018 hoặc 2019, hơn 70% đã có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần. Một tỷ lệ thấp hơn (63%) được kê đơn ít nhất một loại thuốc chống trầm cảm, với thời gian trung bình từ khi chẩn đoán đến khi kê đơn đầu tiên là khoảng 7 tuần.

- Từ năm 2011 - 2020, tỷ lệ trầm cảm được ghi nhận và tỷ lệ kê đơn thuốc chống trầm cảm đều tăng khoảng 1,8 lần.

- Rất ít báo cáo về tự tử được ghi nhận trong dữ liệu ở bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ tự tử, có ý định tự tử và tự ngược đãi bản thân được ghi nhân tăng ít nhất 3 lần trong khoảng 10 năm.

- Việc kê đơn đồng thời các thuốc hướng thần khác trong thực hành lâm sàng là rất thấp, lưu ý rằng không thể kiểm soát được việc kê đơn của bác sĩ chuyên khoa. Trong năm 2018–19, thuốc chống trầm cảm thường không được kê đơn cùng ngày với thuốc chống loạn thần (8,7% bệnh nhân), benzodiazepin/thuốc Z (7,1%) hoặc chất kích thích ADHD (2,6%)

ACM cũng lưu ý rằng việc phân tích dữ liệu bao gồm năm 2020, và các tác động đa dạng của đại dịch COVID-19 lên sức khỏe tinh thần, nhu cầu về dịch vụ và tính sẵn có của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, vẫn chưa được cập nhật.

 

Thông tin cho nhân viên y tế

 

Khi kê đơn thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là kê đơn off-label cho trẻ em và thanh thiếu niên, các nhân viên y tế nên cẩn thận về liều lượng để cân bằng giữa lợi ích và rủi ro cho từng bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân và người thân nên được hướng dẫn về nguy cơ bệnh nhân có ý định tự tử, đặc biệt là trong tháng đầu tiên điều trị, cũng như những lợi ích và rủi ro chung của thuốc điều trị.

 

TGA đã chia sẻ thông tin này và phân tích của MedicineInsight với các trường đào tạo y khoa liên quan, bao gồm Trường đào tạo Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Úc và Trường đào tạo Bác sĩ Tâm thần Hoàng gia Úc và New Zealand. Người ta hy vọng rằng điều này cũng sẽ hỗ trợ việc xuất bản các tài liệu giáo dục về kê đơn và hướng dẫn lâm sàng.

 

Nguồn: https://www.tga.gov.au/publication-issue/antidepressant-use-and-youth-suicide

Điểm tin: CTV. Hồ Thị Thanh Mai, CTV Vũ Hà Vy, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến