Medsafe: Nguy cơ nhiễm toan ceton và hoại thư Fournier liên quan đến empagliflozin

 

Empagliflozin là thuốc ức chế SGLT2, điều trị đái tháo đường typ 2 nhằm ổn định đường huyết và giảm nguy cơ gặp biến cố tim mạch trên người trưởng thành. Nhóm thuốc ức chế SGLT2 có mối liên quan với tình trạng nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA) và hoại tử Fournier. Trung tâm Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (CARM) đã nhận được báo cáo về trường hợp DKA và hoại tử Fournier sau khi bắt đầu dùng empagliflozin.

 

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường (DKA)

Triệu chứng và dấu hiệu DKA được mô tả trong Bảng 1. Bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế kênh SGLT2 có nguy cơ mắc DKA cao hơn, đặc biệt trong vài tháng đầu điều trị. Trong một số trường hợp, DKA không điển hình, mức đường huyết bình thường hoặc chỉ tăng nhẹ (euglycaemic diabetic ketoacidosis).

 

Bảng 1. Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm toan ceton đái tháo đường cùng cách xử trí

 

Dấu hiệu và triệu chứng

Nên làm gì?

Bao gồm:

- Khó thở

- Buồn nôn

- Nôn

- Chán ăn

- Khát

- Đau bụng

- Lú lẫn, mệt mỏi bất thường, buồn ngủ

- Hơi thở có vị ngọt

- Miệng có vị ngọt hoặc vị kim loại

- Nước tiểu hoặc mồ hôi có mùi bất thường

Dấu hiệu và triêu chứng nghiêm trọng gồm:

- Mất nước

- Thở hổn hển sâu

- Lú lẫn

- Hôn mê

Bệnh nhân

Đi khám nếu xuất hiện dấu hiệu và triệu chứng DKA bất kể nồng độ đường huyết.

 

Nhân viên y tế

Xét nghiệm ceton máu mao mạch (xét nghiệm ceton trong nước tiểu không tin cậy).

Nghi ngờ DKA trên bệnh nhân có hoặc không hạ đường huyết, đang có triệu chứng DKA:

Nồng độ ceton máu mao mạch ngón tay trên 1.00 mmol/L.

Cânbằng kiềmdưới -5 mmol/L, cho thấy nhiễm toan chuyển hóa

Ngừng sử dụng empagliflozin và điều trị DKA.

 

Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhiễm toan ceton đái tháo đường trên bệnh nhân sử dụng empagliflozin:

- Giảm liều insulin

- Chế độ ăn ít tinh bột

- Lạm dụng rượu

- Mất nước nặng

- Rối loạn chức năng tuyến tụy (tiền sử viêm tụy, phẫu thuật tuyến tụy)

- Rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, như nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, phẫu thuật, nhịn ăn kéo dài.

Cân nhắc ngừng sử dụng empagliflozin tạm thời khi mắc bệnh cấp tính, đặc biệt nếu bệnh nhân cảm thấy không ổn, sốt, chán ăn hoặc nôn. Nên ngừng tạm thời empagliflozin trước khi phẫu thuật.

Bệnh nhân nên tìm hỗ trợ y tế nếu thấy có triệu chứng và dấu hiệu DKA (Bảng 1).

 

Hoại tử Fournier (viêm mô hoại tử vùng đáy chậu)

Hoại tử Fournier là nhiễm trùng gây hoại tử vùng đáy chậu. Tình trạng này xuất hiện cả trên nữ giới và nam giới sử dụng empagliflozin. Hậu quả nghiêm trọng gồm nhập viện, phẫu thuật nhiều lần và tử vong.

Khuyến cáo bệnh nhân đi khám ngay nếu cảm thấy đau, nhức, sưng đỏ vùng sinh dục hoặc vùng đáy chậu, đặc biệt kèm theo sốt hoặc khó chịu. Các triệu chứng có thể chuyển biến xấu nhanh.

Điều trị ban đầu bằng kháng sinh phổ rộng và cắt bỏ mô hoại tử nếu cần thiết.

Ngừng sử dụng empagliflozin và dùng thuốc thay thế để kiểm soát đường huyết.

 

Báo cáo tại New Zealand

Đến 30/06/2021, CARM đã nhận được 3 báo cáo biến cố DKA (1 trường hợp không điển hình) và 2 báo cáo biến cố hoại tử Fournier.

 

Nguồn:https://www.medsafe.govt.nz/profs/PUArticles/September2021/Empagliflozin-advise-patients-risk-ketoacidosis-Fourniers-gangrene.html

Điểm tin:CTV. Tăng Quốc An, CTV. Nguyễn Hà Nhi, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Các tin liên quan