Bản tin này nêu rõ những phát hiện từ một phân tích các biến cố trong sử dụng thuốc trên trẻ em trong cộng đồng và tìm ra những cách để cải thiện tính an toàn khi sử dụng thuốc thuốc dành cho trẻ.
PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH
Các báo cáo về biến cố khi sử dụng thuốc cho trẻ em tại cộng đồng được trích xuất từ 3 cơ sở dữ liệu ISMP Canada trong 5 năm từ ngày 1 tháng 6 năm 2016 dến ngày 31 tháng 5 năm 2021.
Hình 1. Báo cáo sai sót trong sử dụng thuốc theo mức độ nghiêm trọng
Các từ khóa chính được sử dụng để tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu bao gồm “trẻ nhũ nhi”, “trẻ nhỏ”, “nhi khoa” và “trẻ vị thành niên”. Có 68 sai sót được xác định, trong đó có 62 sai sót được đưa vào phân tích. Phân tích được thực hiện theo phương pháp phân tích chuỗi biến cố được nêu trong Khung phân tích biến cố của Canada.
Hầu hết các biến cố có mức độ nhẹ, chỉ có 16% biến cố có mức độ nghiêm trọng hoặc gây tử vong (Hình 1).
Khoảng 2/3 biến cố được báo cáo trong quá trình nhập đơn thuốc và cấp phát thuốc (Hình 2)
Hình 2. Báo cáo sai sót sử dụng thuốc theo giai đoạn trong quy trình sử dụng thuốc
Các sai sót trong kê đơn và trên lâm sàng có thể được quản lý thông qua sự can thiệp của dược sĩ trước khi xảy ra sai sót.
KẾT QUẢ PHÂN TÍCH
Phân tích đã xác định những yếu tố góp phần gây ra biến cố trong sử dụng thuốc. Những yếu tố này đã được phân loại theo 3 nhóm chính.
Hình 3. Các nhóm yếu tố chính dẫn đến biến cố
1. Không tiếp cận được các chế phẩm thuốc dành cho trẻ em
Các vấn đề cần cân nhắc khi sử dụng thuốc trên trẻ em thường bao gồm liều dùng theo cân nặng, sự khác biệt về dược động học theo tuổi và sự lựa chọn sản phẩm bị hạn chế (ví dụ, trẻ em không nuốt được viên nén hoặc viên nang). Phân tích này đã xác định những hạn chế trong tiếp cận thông tin dễ dàng để kê đơn và liều dùng cho trẻ em, bên cạnh đó việc sử dụng off-label và thiếu các chế phẩm phù hợp cho trẻ là những nguyên nhân chính gây ra biến cố trong sử dụng thuốc.
Ví dụ về biến cố
Một trẻ nhũ nhi được kê amoxicillin/acid clavulanic 90 mg/kg/ngày (dựa trên hàm lượng amoxicillin). Trẻ đã được cho sử dụng công thức thuốc có tỷ lệ acid clavulanic: amoxicillin cao hơn. Đứa trẻ nhập viện một tuần sau đó do gặp các vấn đề về đường tiêu hóa. Dược sĩ cấp phát thuốc đã không biết rằng liều cao acid clavulanic có thể gây ra không dung nạp đường tiêu hóa ở trẻ nhũ nhi và nên cấp phát một chế phẩm khác có chứa tỷ lệ acid clavulanic thấp hơn.
Lời khuyên
- Tính toán một cách độc lập để xác định liều lượng thuốc.
- Nếu chỉ có 1 dược sĩ tính toán liều lượng, trung tâm thông tin thuốc hoặc đồng nghiệp khác tại nhà thuốc có thể hỗ trợ kiểm tra.
- Kiểm tra tính xác thực về việc sử dụng thuốc off-label cho trẻ em.
- Theo ước tính,75% thuốc cho trẻ em được kê đơn off-label. Chú ý liên hệ với bác sĩ kê đơn để có thêm thông tin về thuốc và liều lượng trong đơn.
2. Khoảng cách giao tiếp
Nhiều báo cáo về biến cố xảy ra do thiếu sự liên lạc, gồm (i) giữa các nhân viên y tế, (ii) giữa nhân viên y tế và người chăm sóc, và (iii) giữa người chăm sóc và trẻ em. Ví dụ: các đơn thuốc mà dược sĩ cần có sự giải thích rõ ràng từ bác sĩ kê đơn, thiếu sự theo dõi hoặc giám sát của nhân viên y tế, và các rào cản giao tiếp giữa trẻ và người chăm sóc trẻ.
Ví dụ về biến cố:
Một trẻ vị thành niên được chẩn đoán mắc đái tháo đường đã ngừng sử dụng insulin. Bác sĩ chuyên khoa đã biết trẻ chuyển sang sử dụng metformin đơn trị liệu và được bác sĩ gia đình tiếp tục theo dõi. Trẻ nhiều lần nhập viện vì nhiều lý do khác nhau trong vài năm, tuy nhiên đường huyết và tình trạng đái tháo đường không được ghi lại. Bệnh nhân đã tử vong tại nhà; nguyên nhân được xác định là nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Kiểm tra dữ liệu của máy đo đường huyết cho thấy đường huyết ở mức cao trong tháng trước đó.
Lời khuyên
- Tối ưu hóa việc chăm sóc của bác sĩ gia đình cũng nhưbác sĩ cấp cứuvàbác sĩ chuyên khoa.
- Trao đổi với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thời điểm tái khám với bác sĩ.
- “5 câu hỏi về thuốc của bạn" và “5 câu hỏi về thuốc của tôi - dành cho trẻ em” có thể là những nguồn tài liệu hữu ích.
- Trẻ em và người chăm sóc cần được hướng dẫn sử dụng thuốc hiệu quả và an toàn. Khi đã hiểu rõ về tình trạng bệnh lý cũng như các thuốc đang sử dụng, trẻ em có thể truyền đạt thông tin hữu ích cho bác sĩ chăm sóc.
3. Sai sót trong quá trình chuẩn bị thuốc
Những sai sót trong quá trình chuẩn bị thuốc có thể phòng tránh được thông qua cải tiến quy trình làm việc và kiểm tra. Nhiều sai sót bắt nguồn từ lỗi tính toán trong quá trình pha chế và chuẩn bị các công thức dạng dung dịch, dẫn đến việc cấp phát không đúng nồng độ hoặc cung cấp không đúng hướng dẫn sử dụng (ví dụ: không chính xác thể tích sử dụng).
Ví dụ về biến cố
Cefuroxim 250 mg/5 mL được kê đơn cho bệnh nhân, sử dụng 4 mL (200 mg) hai lần/ngày. Tuy nhiên thuốc nàykhông có sẵn, vì vậy nhà thuốc đã thay thế bằngcefuroxim 125 mg/5 mL, nhưng để nhầm hướng dẫn là “4 mL hai lần/ngày”. Do vậy, liều được dùng chỉ là 100 mg.
Lời khuyên
- Tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng và độc lập các tính toán và hàm lượng cuối cùng có trong chế phẩm.
- Nếu chỉ có 1 dược sĩ tính toán liều lượng, quy trình kiểm tra kỹ lưỡng độc lập có thể được hỗ trợ bằng công nghệ thực tế ảo (virtually using video technology).
- Xác định liều lượng kê đơn thông qua nguồn tài liệu y văn chonhi khoa đáng tin cậy.
Tốt nhất, người kê đơn nên chọn thuốc dựa trên những chế phẩm có sẵn trên thị trường và ở dạng phù hợp cho trẻ em. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, có thể phải pha chế thuốc kê đơn để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Quá trình pha chế thuốc tiềm ẩn nguy cơ sai sót, đặc biệt là trong quá trình tính toán liều lượng, lựa chọn và cân khối lượng thành phần. Biện pháp để làm giảm hoặc loại bỏ các sai sót khi pha chế bao gồm việc sử dụng các công thức pha chế đã được tiêu chuẩn hóa, xác thực do các tổ chức có chuyên môn về nhi khoa xuất bản và sử dụng công nghệ (ví dụ: quét mã vạch) để hỗ trợ nhận dạng sản phẩm chính xác.
KẾT LUẬN
Phân tích chuỗi biến cố này đã chỉ ra các yếu tố gây nên các sai sót trong sử dụng thuốc cho trẻ em trong cộng đồng. Có nhiều cách để cải thiện tính an toàn khi sử dụng thuốc cho nhóm đối tượng này, bao gồm việc đưa ra thị trường thêm các chế phẩm thuốc dành cho trẻ em. Trẻ em và trẻ vị thành niên nên được trao đổi và thảo luận kỹ lưỡng về thuốc đang sử dụng. Do cần phải có yêu cầu về kiến thức chuyên môn, bác sĩ nên xem xét về chỉ định và liều dùng dựa trên cân nặng khi kê đơn hoặc cấp phát thuốc cho trẻ.
Nguồn: https://ismpcanada.ca/wp-content/uploads/ISMPCSB2022-i5-Pediatric-MIA.pdf
Điểm tin: CTV. Vương Thảo Ngân, CTV. Vũ Thị Thu Thủy, CTV. Nguyễn Hà Nhi
Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến