Trung tâm Theo dõi phản ứng có hại (CARM) của New Zealand đã tiếp nhận báo cáo về các phản ứng bất lợi liên quan đến tiêm truyền thuốc và lưu ý một số thuốc có thể gây phản ứng tiêm truyền như: vancomycin, sắt tiêm truyền tĩnh mạch và kháng thể đơn dòng
Trung tâm Theo dõi phản ứng có hại (CARM) của New Zealand đã tiếp nhận báo cáo về trường hợp bệnh nhân xuất hiện mẩn đỏ và ngứa sau tiêm truyền vancomycin. Biểu hiện lâm sàng của phản ứng nghiêm tiêm truyền vancomycin trên bệnh nhân này (trước đây còn gọi là 'Hội chứng người đỏ') có thể tương tự phản ứng phản vệ.
Sau đây là một vài ví dụ về các thuốc có thể gây ra phản ứng liên quan đến tiêm truyền.
Phản ứng liên quan đến tiêm truyền là gì?
Phản ứng tiêm truyền là các biến cố bất lợi nghiêm trọng tiềm ẩn của các thuốc dùng qua đường tĩnh mạch do các nguyên nhân cơ bản khác nhau.
Phản ứng tiêm truyền có thể là phản ứng dị ứng hoặc giả dị ứng.
Dị ứng và giả dị ứng rất khó phân biệt trên lâm sàng. Tuy nhiên cả hai loại phản ứng này đều nguy hiểm đến tính mạng. Nếu phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của phản vệ, cần ngừng truyền thuốc ngay lập tức và tiến hành các biện pháp xử trí thích hợp.
Các thuốc có nguy cơ gây phản ứng tiêm truyền nên được sử dụng ở các đơn vị có có nhân lực được đào tạo và sẵn sàng các thiết bị hồi sức cấp cứu.
Ví dụ về phản ứng tiêm truyền thuốc
Vancomycin, sắt tiêm tĩnh mạch và kháng thể đơn dòng là một vài ví dụ về các thuốc có liên quan đến phản ứng tiêm truyền.
Vancomycin
Tiêm truyền nhanh vancomycin có thể gây phản ứng giả dị ứng.
Để hạn chế nguy cơ phản ứng bất lợi, cần tiêm truyền vancomycin với tốc độ không quá 500 mg/giờ ở nồng độ thích hợp.
Các triệu chứng của phản ứng tiêm truyền vancomycin có thể bao gồm hạ huyết áp, đỏ bừng mặt, ban da, mề đay, ngứa, đau và co thắt cơ ở ngực và lưng. Các triệu chứng giảm khi ngừng truyền, khác biệt với phản vệ.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng, có thể tiếp tục truyền với tốc độ chậm sau khi các triệu chứng thuyên giảm. Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân để đề phòng tai biến.
Sắt tiêm truyền tĩnh mạch
Khi truyền tĩnh mạch sắt polymaltose cần bắt đầu với tốc độ chậm và giám sát tình trạng bệnh nhân. Tăng tốc độ truyền nếu dung nạp thuốc tốt. Thời gian truyền khoảng 5 giờ.
Sắt carboxymaltose có thể tiêm tĩnh mạch chậm không pha loãng hoặc pha loãng để truyền tĩnh mạch. Với liều 500–1000mg, thời gian truyền tối thiểu là 15 phút.
Theo dõi tình trạng bệnh nhân trong và sau khi dùng thuốc. Cần ngưng truyền thuốc ngay khi xảy ra phản ứng liên quan đến tiêm truyền và tiến hành xử trí thích hợp.
Các phản ứng nhẹ liên quan đến truyền tĩnh mạch sắt có thể bao gồm ngứa, đỏ bừng mặt, cảm giác nóng, tức ngực nhẹ, tăng huyết áp hoặc đau lưng/khớp. Phản ứng có thể liên quan đến tốc độ truyền hơn là phản ứng dị ứng. Sau khi các triệu chứng thuyên giảm, có thể tiếp tục truyền với tốc độ chậm hơn tùy thuộctình trạng lâm sàng.
Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc phản vệ hiếm khi xảy ra khi tiêm truyền tĩnh mạch sắt.
Kháng thể đơn dòng
Các phản ứng liên quan đến truyền dịch có thể xảy ra trong quá trình tiêm truyền các kháng thể đơn dòng
Rituximab là một kháng thể đơn dòng có tỷ lệ xảy ra phản ứng tiêm truyền giả dị ứng cao. Để hạn chế nguy cơ, bệnh nhân cần được sử dụng thuốc dự phòng trước đó và bắt đầu truyền rituximab với tốc độ chậm (tham khảo thông tin sản phẩm và hướng dẫn lâm sàng về thuốc dự phòng). Những bệnh nhân tăng bạch cầu có nguy cơ cao gặp các phản ứng tiêm truyền nghiêm trọng.
Các triệu chứng của phản ứng tiêm truyền rituximab có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, rét run, hạ huyết áp, nổi mề đay, phù mạch và cơn bão cytokin. Các triệu chứng giảm khi ngừng truyền. Cần dựa trên mức độ nghiêm trọng và tính chất của phản ứng để cân nhắc ngừng thuốc.
Cần phân biệt phản vệ do rituximab với các phản ứng tiêm truyền khác.
Nguồn: Infusion-related reactions – not all allergy related (medsafe.govt.nz)
Điểm tin: SV. Trần Thị Thùy Linh
Hiệu đính: DS. Hoàng Hải Linh, DS. Nguyễn Thị Cúc; Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Mai Hoa