Các thuốc gabapentinoid như gabapentin và pregabalin được nghiên cứu phát triển để điều trị động kinh nhưng hiện nay các thuốc này chủ yếu được dùng điều trị triệu chứng đau. Đối với gabapentin, chỉ có 1 chỉ định liên quan đến triệu chứng đau được FDA phê duyệt là đau dây thần kinh hậu zona. Đối với pregabalin, chỉ định liên quan đến đau được giới hạn với đau dây thần kinh hậu zona, đau thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường hoặc tổn thương tủy sống và đau xơ cơ [1], [2]. Tuy nhiên, hiện nay các thuốc này được kê đơn ngoài chỉ định (off-label) cho triệu chứng đau trong nhiều trường hợp [1]. Việc sử dụng các thuốc này đã tăng gấp 3 lần trong 15 năm qua [2]. Điều này gợi ý các bác sĩ lâm sàng có thể đã sử dụng các thuốc này thay thế cho opioid để giảm đau.
(Ảnh minh họa: nguồn internet)
Quan ngại về hiệu quả và an toàn khi các thuốc này được kê đơn ngoài chỉ định, một nghiên cứu tổng quan trên 34 nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về việc sử dụng thuốc off-label đã được thực hiện. Tóm tắt kết quả nghiên cứu này như sau [1], [2]:
- Chỉ có bằng chứng mức độ yếu ủng hộ việc sử dụng gabapentin giảm đau thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Rất ít bằng chứng hỗ trợ việc sử dụng gabapentin giảm đau thần kinh không phải do bệnh tiểu đường.
- Không ghi nhận hiệu quả của thuốc trong các nghiên cứu sử dụng gabapentinoid để giảm đau lưng hoặc đau dây thần kinh tọa.
- Cả gabapentin và pregabalin được chỉ định đau dây thần kinh hậu zona tuy nhiên cả 2 thuốc thường được sử dụng trong đau cấp tính do zona. Các nghiên cứu không ghi nhận lợi ích của thuốc về việc sử dụng trong tình trạng này.
- Một số ít nghiên cứu về sử dụng gabapentinoid cho các tình trạng đau khác (tổn thương thần kinh do chấn thương, hội chứng đau vùng phức tạp – complex regional pain syndrome, tổn thương do bỏng) không chỉ ra lợi ích lâm sàng đáng kể.
Không có bằng chứng hoặc bằng chứng rất hạn chế về lợi ích của các gabapentioid khi dùng để giảm đau trong kê đơn off-label. Thực hành này đáng lo ngại do nhóm thuốc gabapentinoid có gây tác dụng phụ bao gồm chóng mặt, lơ mơ, thất thường với tỷ lệ cao. Ngoài ra, cần lưu ý các bệnh nhân thường được kê gabapentinoid để tránh sử dụng opioid, tuy nhiên các bệnh nhân này đôi khi vẫn sử dụng opioid được kê đơn hoặc tự ý sử dụng. Bệnh nhân có nguy cơ cao quá liều opioid khi dùng đồng thời với gabapentinoid [2].
Mối liên quan giữa gabapentinoid và các tác dụng bất lợi được nghiên cứu bởi Molero và cộng sự (2019). Nghiên cứu thu thập đơn thuốc của 191973 bệnh nhân được kê gabapentinoid (gabapentin và pregabalin) từ phần mềm quản lý kê đơn thuốc Thụy Điện trong giai đoạn 2006 đến 2013. Tiêu chí chính của nghiên cứu là có ý định tự tử, dùng quá liều không chủ ý, tổn thương ở đầu/tổn thương trên cơ thể, tai nạn hoặc vi phạm giao thông, và bị bắt do hành vi phạm tội bạo lực. Kết quả chỉ ra 10026 (5,2%) bệnh nhân có ý định tự tử hoặc tử vong do tự tử; 17144 (8,9%) từng sử dụng thuốc quá liều không chủ ý; 12070 (6,3%) bệnh nhân tai nạn hoặc vi phạm luật giao thông, 70522 (36,7%) bệnh nhân có tổn thương đầu hoặc tổn thương trên cơ thể, 7984 (4,1%) bệnh nhân bị bắt do hành vi phạm tội bạo lực. Nghiên cứu này kết luận các gabapentinoid có liên quan đến tăng nguy cơ có ý định tự tử, dùng quá liều không chủ ý, tổn thương ở đầu/tổn thương trên cơ thể, tai nạn hoặc vi phạm giao thông. Pregabalin có tỷ số nguy cơ làm tăng các phản ứng có hại trên cao hơn gabapentin [3].
Các thuốc gabapentinoid đã được Chính phủ Anh xếp vào nhóm thuốc cần kiểm soát sau khi nhận thất số lượng các trường hợp tử vong do liên quan đến thuốc ngày càng tăng [4].
1. Goodman CW1, Brett AS. A Clinical Overview of Off-label use of Gabapentinoid Drugs JAMA Intern Med. 2019 May 1;179(5):695-701
2. Thomas L. Schwenk, MD. Markedly Increased Off-Label Use of Gabapentinoid Drugs for Pain Management, NEJM Journal Watch 2019
3. Molero Y, Larsson H, D’Onofrio BM, Sharp DJ, Fazel S. Associations betweengabapentinoids and suicidal behaviour, unintentional overdoses, injuries, road traffic incidents, and violent crime: population based cohort study in Sweden. BMJ 2019; 365:l2147
Tổng hợp: Nguyễn Thị Tuyến