Medsafe: Nhắc lại nguy cơ lạm dụng, phụ thuộc thuốc và hội chứng cai trên bệnh nhân sử dụng benzodiazepin

 

Nội dung chính

- Benzodiazepin có nguy cơ bị dùng sai ngay cả khi sử dụng ở liều khuyến cáo. Cần tư vấn cho bệnh nhân về những nguy cơ có thể xảy ra khi bắt đầu điều trị bằng các thuốc benzodiazepin.

- Thường xuyên đánh giá nhu cầu điều trị liên tục cho bệnh nhân.

- Sau khi sử dụng liên tục hoặc sau dùng ở liều cao, phải giảm liều benzodiazepin từ từ, để giảm nguy cơ xuất hiện phản ứng cai thuốc trên bệnh nhân.

Gần đây, thông tin bổ sung về nguy cơ lạm dụng, phụ thuộc thuốc và hội chứng cai của benzodiazepin đã được cập nhật vào các chuyên luận thuốc tại New Zealand. Truyền thông này nhắc nhở về những nguy cơ trên cho các nhân viên y tế.

 

Nguy cơ sử dụng sai benzodiazepin

Benzodiazepin có nguy cơ bị dùng sai (misuse), lạm dụng (abuse) và phụ thuộc thuốc, ngay cả khi sử dụng ở liều khuyến cáo. Tình trạng phụ thuộc có thể xảy ra khi sử dụng thuốc liên tục trong vài ngày đến vài tuần, ngay cả khi đã dùng theo chỉ định. Việc lạm dụng và sử dụng sai cách benzodiazepin có thể dẫn đến quá liều hoặc tử vong, đặc biệt là khi phối hợp với thuốc giảm đau opioid, rượu hoặc các chất gây nghiện. Cần tư vấn cho bệnh nhân về những nguy cơ này trước khi bắt đầu điều trị bằng benzodiazepam.

Trước khi kê đơn và trong suốt quá trình điều trị, cần phải đánh giá nguy cơ lạm dụng, dùng sai và nghiện thuốc của bệnh nhân. Khi kê đơn nên thận trọng với những bệnh nhân có tiền sử lạm dụng thuốc hoặc rượu, đây là những người có nguy cơ dễ bị nghiện thuốc hoặc bệnh nhân có tiền sử cho thấy có thể tự ý tăng liều.

Khi kê đơn thuốc benzodiazepin cho bệnh nhân bị mất ngủ hoặc lo âu, cần đảm bảo bệnh nhân hiểu được việc các thuốc này chỉ nên trong một thời gian ngắn (2-4 tuần). Điều trị đầu tay là phương pháp điều trị không dùng thuốc. Không khuyến cáo sử dụng benzodiazepin dài hạn cho các chỉ định trên.

Dữ liệu cấp phát thuốc tại New Zealand cho thấy diazepam và lorazepam là những benzodiazepin được cấp phát nhiều nhất. Tổng lượng thuốc được kê đơn đã tăng lên trong khoảng thời gian theo dõi (2016-2020), điều này cho thấy tình trạng sử dụng thuốc benzodiazepin xảy ra thường xuyên và trong khoảng thời gian dài.

 

Thường xuyên đánh giá nhu cầu điều trị liên tục cho bệnh nhân

Việc sử dụng liên tục các thuốc benzodiazepin có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc thuốc. Nguy cơ phụ thuộc thuốc tăng theo liều dùng và thời gian điều trị, đồng thời nguy cơ tăng lên ở những bệnh nhân có tiền sử lạm dụng thuốc, rượu hoặc có dấu hiệu rối loạn nhân cách.

Thường xuyên đánh giá nhu cầu điều trị liên tục cho bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân có nguy cơ cao phụ thuộc thuốc.

 

Giảm liều điều trị từ từ để ngăn ngừa phản ứng cai thuốc

Khi bệnh nhân đang sử dụng các thuốc benzodiazepin liên tục, nếu ngừng sử dụng đột ngột hoặc giảm liều lượng nhanh chóng, có thể dẫn đến phản ứng cai thuốc.

Nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của phản ứng cai tùy vào thời gian điều trị, liều lượng và mức độ phụ thuộc thuốc. Ngừng sử dụng một cách đột ngột các thuốc benzodiazepin đang được sử dụng liên tục và/hoặc ở liều cao có liên quan đến những phản ứng cai thuốc nghiêm trọng, như co giật, mê sảng hoặc rối loạn tâm thần. Thông báo cho bệnh nhân về những nguy cơ này và tư vấn cho bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi giảm liều hoặc ngừng thuốc đột ngột.

Việc ngừng dùng các thuốc benzodiazepin sau khi sử dụng liên tục phải tiến hành từ từ. Nên lập một lịch trình cụ thể cho từng bệnh nhân và đảm bảo luôn có bác sĩ theo dõi, hỗ trợ.

 

Một số trường hợp được báo cáo ở New Zealand

Từ tháng 8/1969 đến tháng 3/2022, Trung tâm Giám sát các phản ứng có hại (CARM) đã nhận được 23 trường hợp báo cáo về các thuốc benzodiazepin, bao gồm phản ứng cai và phụ thuộc thuốc. Clonazepam (với 9 trường hợp) là thuốc benzodiazepin được báo cáo thường xuyên nhất, tiếp theo là lorazepam (5), diazepam (3) và triazolam (3).

 

Nguồn: https://medsafe.govt.nz/profs/PUArticles/PDF/Prescriber-Update-Vol-43-No.2-June-2022.pdf

Điểm tin: CTV. Nguyễn Lê Phương Nga, CTV. Đinh Thị Thủy

Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến