BMJ: Hiệu quả của việc bổ sung vitamin D trong dự phòng biến cố tim mạch lớn

 

Một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược đã được tiến hành tại Australia từ năm 2014-2020 nhằm nghiên cứu hiệu quả của việc bổ sung vitamin D hàng tháng trong dự phòng biến cố tim mạch lớn ở người cao tuổi.

Đối tượng tham gia thử nghiệm bao gồm 21315 người trong độ tuổi 60-84. Tiêu chuẩn loại trừ bao gồm: bệnh nhân mắc các tình trạng sau do đối tượng tham gia tự báo cáo: tăng canxi máu, cường cận giáp, sỏi thận, loãng xương, u hạt, đang bổ sung vitamin D trên 500 IU/ ngày hoặc không thể xác nhận đồng ý tham gia nghiên cứu do hạn chế về ngôn ngữ hoặc nhận thức.

Những người tham gia được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm:

- Nhóm I gồm 10662 người uống vitamin D3 liều 60000 IU/tháng.

- Nhóm II gồm 10653 người uống giả dược. 

Có tổng 16822 người hoàn thành thử nghiệm, bao gồm 8552 người nhóm I (80,2%) và 8270 người nhóm II (77,6%).

Tiêu chí chính của nghiên cứu là sự xuất hiện các biến cố tim mạch lớn (bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tái thông động mạch vành) được xác định qua nguồn dữ liệu quản lý. Mỗi biến cố riêng lẻ được phân tích như một tiêu chí phụ. Các mô hình phân tích sống sót, với nhiều tham số khác nhau  được sử dụng để ước tính tỷ suất nguy cơ (HR) và khoảng tin cậy (CI) 95%.

 

Kết quả:

Trong 21302 người được đưa vào phân tích có 1336 người xuất hiện biến cố tim mạch lớn, bao gồm 637 người dùng vitamin D (6,0%) và 699 người dùng giả dược (6,6%) .Tỷ lệ các biến cố tim mạch lớn ở nhóm dùng vitamin D thấp hơn so với nhóm dùng giả dược (HR = 0,91; 95% CI, 0,81 - 1,01), đặc biệt trên những người đang dùng thuốc tim mạch (HR = 0,84; 95%CI: 0,74 - 0,97, p=0,12), mặc dù tỷ lệ này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Nhìn chung, hiệu số chuẩn hóa tỷ lệ xuất hiện của riêng biến cố tim mạch lớn tích lũy trong 5 năm của 2 nhóm là -5,8 (95% CI: -12,2 đến 0,5/1000 người tham gia). Như vậy, cứ 172 người bổ sung vitamin D hàng tháng thì có 1 người tránh được biến cố tim mạch lớn. Tỷ lệ mắc nguy cơ  nhồi máu cơ tim (HR = 0,81; 95% CI: 0,67 - 0,98) và tái thông động mạch vành (HR = 0,89; 95%CI: 0,78 - 1,01) ở nhóm dùng vitamin D thấp hơn, nhưng không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc đột quỵ (HR = 0,99; 95%CI: 0,80 - 1,23).

 

Kết luận:  

Bổ sung vitamin D có thể giúp giảm tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch lớn, mặc dù chỉ có  khác biệt nhỏ về nguy cơ tuyệt đối và khoảng tin cậy không có ý nghĩa thống kê. Những phát hiện này thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn về hiệu quả của việc bổ sung vitamin D, đặc biệt ở những người dùng thuốc để dự phòng hoặc điều trị các bệnh tim mạch.

 

Nguồn: Vitamin D supplementation and major cardiovascular events: D-Health randomised controlled trial | The BMJ


Điểm tin: SV. Trần Thị Thùy Linh

Hiệu đính: DS. Ngô Nhật Long; Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Mai Hoa