Oxycontin (oxycodon hydroclorid) là một opioid bán tổng hợp, được chỉ định để điều trị các cơn đau mức độ trung bình đến nặng.
Tháng 02/2025, WHO đã phát hiện 1 lô sản phẩm Oxycotin 80mg giả mạo tại Thụy Sĩ. Ngay sau đó, Trung tâm thông tin thuốc của thành phố Zurich (DIZ) của Thụy Sĩ đã tiến hành kiểm nghiệm lô thuốc này và xác định rằng sản phẩm này không chứa thành phần oxycodon, mà chứa các dẫn xuất nitazen (metonitazen, isotonitazen, fluonitazen). Dẫn xuất nitazen là các opioid tổng hợp mạnh, chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu do nguy cơ gây nghiện cao và có liên quan đến các biến cố bất lợi nghiêm trọng. Thêm vào đó, những chất này có thể có hiệu lực mạnh hơn oxycodon hàng trăm lần, dẫn đến nguy cơ quá liều cao.
Cách nhận biết sản phẩm giả mạo
Sản phẩm giả mạo này bắt chuốc thuốc Oxycotin 80mg được sản xuất bởi MUNDIPHARMA. Một số đặc điểm khác biệt để nhận biệt sản phẩm giả đã được ghi nhận. Cụ thể là, vị trí in số lô và hạn sử dụng không đúng.
- Trên sản phẩm giả, số lô và hạn sử dụng được in ở mặt trước của vỉ thuốc. Trong khi, trên sản phẩm chính hãng, số lô và hạn sử dụng được in ở mặt sau của vỉ thuốc.
- Trên sản phẩm giả, hạn sử dụng nằm ở bên trái và số lô nằm ở bên phải, trong khi, trên sản phẩm chính hãng, số lô nằm bên trái và hạn sử dụng nằm bên phải.
Nguy cơ khi sử dụng sản phẩm thuốc Oxycotin giả
Sản phẩm giả mạo này được phát hiện chứa các hợp chất nitazen chưa được phê duyệt, gây ra nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, kể cả ở liều thấp. Nitazen có tác dụng tương tự các opioid khác, nhưng hiệu lực tác dụng cao, dẫn đến tăng nguy cơ quá liều và tử vong. Việc sử dụng các dẫn xuất nitazen đã ghi nhận có liên quan một số trường hợp tử vong. Đặc biệt, khi dùng đồng thời với các chất ức chế thần kinh khác như rượu hoặc các benzodiazepin gây tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn nghiêm trọng (như suy hô hấp, hạ huyết áp, hôn mê), thậm chí là gây tử vong.
Sản phẩm giả này đặc biệt nguy hiểm đối với những đối tượng bệnh nhân mắc chứng rối loạn sử dụng chất kích thích (substance use disorders), vì họ có thể nhầm tưởng đây là một loại thuốc an toàn và đảm bảo chất lượng. Trước đây, WHO đã nhận được báo cáo về Oxycontin giả mạo từ Ba Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Ireland.
Khuyến cáo cho nhân viên y tế
- Nhân viên y tế cần báo cáo ngay các tác dụng không mong muốn, sự thiếu hiệu quả của thuốc hoặc nghi ngờ thuốc giả cho Cơ quan Quản lý Dược Quốc gia hoặc Trung tâm Cảnh giác Dược Quốc gia.
- Nếu nghi ngờ bệnh nhân quá liều Oxycontin (đặc biệt là khi sản phẩm này được mua trên thị trường chưa được kiểm soát (unregulated market) cần lưu ý đến khả năng ngộ độc nitazen.
- WHO khuyến cáo các cơ quan quản lý tăng cường giám sát và cảnh giác trong chuỗi cung ứng và các thị trường chưa kiểm soát tại các quốc gia/khu vực có khả năng bị ảnh hưởng. Đồng thời, thông báo ngay cho WHO nếu phát hiện các sản phẩm giả mạo.
- WHO khuyến cáo người bệnh không sử dụng các sản phẩm này. Nếu đã sử dụng hoặc gặp phải tác dụng không mong muốn, báo cho nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời hoặc liên hệ với trung tâm chống độc.
Điểm tin: SV. Vũ Minh Thu
Hiệu đính: DS. Bùi Thị Phương Thảo; Phụ trách: ThS. Nguyễn Mai Hoa