Bối cảnh: Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã ban hành hàng loạt khuyến cáo nhằm hạn chế việc kê đơn và sử dụng valproat cho đối tượng bệnh nhân đang trong độ tuổi sinh sản. Các dữ liệu nghiên cứu gần đây nhấn mạnh rằng trẻ có cha sử dụng valproat trước khi thụ tinh cũng có nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh. Trước bối cảnh đó, việc đánh giá lại vai trò của valproat trong điều trị và cân nhắc các lựa chọn thay thế phù hợp hơn là cần thiết.
Mục đích: Cung cấp một tổng quan về các liệu pháp thay thế phù hợp cho valproat trong điều trị rối loạn lưỡng cực.
Phương pháp: Một tổng quan tài liệu (narrative review) đã được tiến hành dựa trên các hướng dẫn thực hành lâm sàng về điều trị rối loạn lượng cực. Trong đó, các hướng dẫn được đưa vào bài tổng quan phải đáp ứng các tiêu chuẩn lựa chọn sau: (1) các khuyến cáo trong hướng dẫn được xây dựng dựa trên một quy trình chính thức và (2) được công bố bằng tiếng Anh trong vòng 15 năm trở lại đây. Sau đó, những thuốc đã có cơ sở bằng chứng về hiệu quả trong điều trị các giai đoạn khác nhau của rối loạn lưỡng cực và được đề cập trong các hướng dẫn điều trị này sẽ được đánh giá về tính an toàn trong thai kỳ. Cơ sở dữ liệu REPROTOX® được lựa chọn làm nguồn thông tin chính về an toàn của các thuốc trên sinh sản.
Kết quả:
Trong các thuốc chống loạn thần thế hệ hai, quetiapin được xem là lựa chọn hàng đầu thay thế cho valproat. Ngoài ra, aripiprazol và olanzapin cũng có thể được cân nhắc khi quetiapin không phù hợp trên lâm sàng.
Lithium có liên quan đến nguy cơ dị tật tim bẩm sinh ở trẻ phơi nhiễm thuốc trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, thuốc này cho thấy hiệu quả cao trong điều trị giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực. Thêm vào đó, nguy cơ tuyệt đối (absolute risk) của dị tật tim bẩm sinh do lithium là thấp, do đó, có thể cân nhắc sử dụng lithium nhưng cần có biện pháp theo dõi điều trị phù hợp.
Liệu pháp carbamazepin không được khuyến cáo sử dụng do nguy cơ gây dị tật bẩm sinh bao gồm dị tật ống thần kinh và dị tật sọ mặt.
Lamotrigin an toàn trong thai kỳ, tuy nhiên chỉ định lâm sàng chính của lamotrigin là dự phòng tái phát trầm cảm lưỡng cực. Do đó, lamotrigin thường không được dùng thay thế cho valproat trên lâm sàng để điều trị rối loạn lưỡng cực.
Hai thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2 còn lại gồm haloperidol và risperidon đều cho thấy hiệu quả điều trị kiểm soát giai đoạn hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, haloperidol và risperidon được ghi nhận có liên quan đến hội chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh khi phơi nhiễm trong 3 tháng cuối thai kỳ. Do đó, haloperidol không nên sử dụng thay thế valproat trong điều trị duy trì và chỉ nên cân nhắc sử dụng risperidon khi các lựa chọn khác không hiệu quả.
Kết luận: Bài tổng quan đã cung cấp các khuyến nghị cụ thể về từng liệu pháp thay thế valproat trong điều trị rối loạn lưỡng cực ở bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản. Kết quả nghiên cứu góp phần hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng cân nhắc hiệu quả và độ an toàn của các liệu pháp trong điều trị. Cụ thể, quetiapin được coi là thuốc thay thế hàng đầu cho valproat trên đối tượng này do có hiệu quả cao trong việc điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng hưng cảm, trầm cảm và tâm trạng hỗn hợp. Theo sau đó, olanzapin, aripiprazol cũng có thể được cân nhắc thay thế valproat khi quetiapin không phù hợp trên lâm sàng. Ngoài ra, lithium và risperidon có thể được cân nhắc nhưng cần có biện pháp theo dõi điều trị phù hợp.
Nguồn: https://link.springer.com/article/10.1007/s11096-025-01919-x
Điểm tin: SV. Lê Thị Việt Nga & SV. Nguyễn Thị Thu Huyền
Hiệu đính: DS. Nguyễn Hà Nhi; Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Mai Hoa