Ngày 28/08/2013, sau khi hoàn thiện việc đánh giá các dữ liệu hiện có, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) có cảnh báo về nguy cơ lồng ruột (Intussusception – IS) liên quan đến việc sử dụng vaccin ngừa rotavirus.
Ngày 28/08/2013, sau khi hoàn thiện việc đánh giá các dữ liệu hiện có, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) có cảnh báo về nguy cơ lồng ruột (Intussusception – IS) liên quan đến việc sử dụng vaccin ngừa rotavirus. Lồng ruột là tình trạng tắc nghẽn ruột hiếm gặp gây ra bởi các đoạn ruột lồng vào nhau.
Ảnh minh họa: Internet.
Mối liên quan giữa việc sử dụng vaccin ngừa rotavirus và biến cố lồng ruột đã được đánh giá bằng phương pháp chuỗi các ca tự-chứng (self-controlled cases series (SCCS) method) và được khẳng định lại bằng phân tích bệnh-chứng với nhóm chứng tương ứng. Kết quả cuối cùng cho thấy rõ ràng có sự tăng nguy cơ lồng ruột sau liều đầu tiên của cả hai loại vaccin trên. Với Rotarix, nguy cơ tương đối là 6,8 (95% CI: 2,4-19,0; p<0,001) và 3,5 (95%CI 1,3-8,9, p=0,01) tương ứng từ 1-7 ngày và từ 8-21 ngày sau khi tiêm vaccin; Với RotaTeq, nguy cơ tương đối là 9,9 (95%CI 3,7-26,4; p<0,001) và 6,3 (95%CI 2,8-14,4; p<0,001) tại các thời điểm tương ứng.
Có sự tăng nguy cơ lồng ruột trong thời gian từ 1-7 ngày sau khi dùng liều thứ hai của cả hai loại vaccine trên. Nguy cơ tương đối của Rotarix là 2,8 (95% CI 1,1-7,3; p=0,03) và nguy cơ tương đối của RotaTeq là 2,8 (95% CI 1,2-6,8; p=0,02).
Không có bằng chứng cho thấy sự tăng nguy cơ IS sau khi dùng liều thứ 3 RotaTeq.
Tại thời điểm này chưa thể khẳng định chắc chắn việc sử dụng vaccin ngừa rotavirus gây ra tất cả các ca xảy ra lồng ruột. Tuy nguy cơ lồng ruột khi dùng loại vaccin này có vẻ tăng, tình trạng này vẫn chỉ mới được ghi nhận ở mức độ hiếm gặp và lợi ích phòng chống lây nhiễm rotavirus của vaccin vẫn vượt trội so với nguy cơ.
Trước khi có vaccin ngừa rotavirus, hàng năm tại Úc có khoảng 10.000 trẻ dưới 5 tuổi bị viêm dạ dày-ruột do rotavirus nhập viện. Sau khi hai loại vaccin Rotarix và RotaTeq được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia từ tháng 7/2007, các trường hợp cấp cứu viêm dạ dày-ruột cấp ở trẻ nhỏ đã giảm và số trẻ dưới 5 tuổi mắc viêm dạ dày-ruột do rotavirus phải nhập viện đã giảm hơn 70%. Trong khi hiệu quả của vaccin ngừa rotavirus đã được ghi nhận và biến cố lồng ruột xảy ra với tần suất hiếm gặp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Nhóm chuyên gia tư vấn về lĩnh vực tiêm chủng Úc (Australian Technical Advisory Group on Immunisation – ATAGI) khuyến cáo vẫn tiếp tục sử dụng vaccin ngừa rotavirus cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các cán bộ y tế cần trao đổi với phụ huynh về nguy cơ lồng ruột có thể xảy ra khi cho trẻ sử dụng vaccin ngừa rotavirus, cách phát hiện sớm các dấu hiệu và tìm đến sự hỗ trợ y tế kịp thời trong trường hợp nghi ngờ biến cố xảy ra.
Nguồn: TGA