Hội nghị Cảnh giác Dược thường niên năm 2019: Bài báo cáo Thông tin thuốc và Cảnh giác dược - 10 năm một chặng đường

Sự ra đời của nhiều thuốc mới đã mang lại lợi ích to lớn trong điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng song cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả và an toàn. Trong những năm gần đây, nhiều thuốc đã bị rút khỏi thị trường dược phẩm do có những nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn hẳn lợi ích mà thuốc mang lại. Với mục đích giảm thiểu tác động có hại của thuốc đối với cộng đồng, hệ thống Cảnh giác dược đã được hình thành và phát triển rộng khắp tại nhiều quốc gia nhằm phát hiện, theo dõi, đánh giá và phòng tránh những biến cố bất lợi cũng như giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến thuốc trong thực hành lâm sàng.

 

 

Tại Việt Nam, từ năm 2009, với sự ra đời của Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc, hệ thống Cảnh giác Dược đã chính thức được hình thành và dần thiết lập được mạng lưới theo dõi phản ứng có hại của thuốc trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Trong chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển vừa qua, với những nỗ lực không ngừng của các Vụ, Cục chức năng Bộ Y tế và của hai Trung tâm DI&ADR, hệ thống Thông tin thuốc và Cảnh giác Dược đã phát triển nhanh chóng và đạt được một số kết quả rất đáng được ghi nhận:


- Từ năm 2003 đến năm 2018, số lượng báo cáo ADR đã tăng gấp hơn 20 lần (từ 711 báo cáo lên đến 14487 báo cáo) và con số này vẫn còn tiếp tục tăng lên trong năm 2019.


- Từ năm 2009 đến nay, số lượng công văn cung cấp thông tin an toàn thuốc của Trung tâm DI&ADR Quốc gia gửi các Vụ, Cục Bộ Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị vị sản xuất kinh doanh dược phẩm là hơn 600 công văn, trong đó công văn tư vấn và cung cấp thông tin được các Vụ, Cục chuyển lên mức can thiệp quản lý bằng văn bản chiếm tỷ lệ cao.


- Hơn 10.000 cán bộ y tế đã tham gia vào các lớp tập huấn về kiến thức và kỹ năng Cảnh giác dược và sử dụng thuốc hợp lý, an toàn trong giai đoạn 2009-2019. Nhận thức của cán bộ y tế về hoạt động báo cáo phản ứng có hại của thuốc đã được cải thiện đáng kể. Cơ sở y tế ở các tuyến từ trung ương tới địa phương cũng đang tích cực triển khai hoạt động theo dõi an toàn thuốc và đảm bảo an toàn người bệnh tại đơn vị của mình.


- Cảnh giác Dược và an toàn thuốc đã được lồng ghép trong nhiều văn bản quản lý ở các lĩnh vực chuyên biệt khác nhau. Hệ thống văn bản pháp quy đã và đang dần được hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động Cảnh giác dược.


- Hệ thống cũng đã phát huy hiệu quả khi phát hiện được các tín hiệu nguy cơ trong sử dụng thuốc cũng như các trường hợp liên quan đến chất lượng thuốc và sai sót trong sử dụng thuốc. Hệ thống cũng đã huy động được sự tham gia của các đối tác chính trong hệ thống y tế, bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh, các chương trình y tế mục tiêu (AIDS, LAO, Sốt rét), các đơn vị tham gia thử nghiệm lâm sàng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm v.v…


Trong không khí tích cực đó, đồng thời nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm DI&ADR Quốc gia, Trung tâm DI&ADR Quốc gia và Trung tâm DI&ADR Khu vực TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị Cảnh giác Dược toàn quốc năm 2019 với chủ đề Giảm thiểu nguy cơ liên quan đến thuốc trong thực hành lâm sàng nhằm nhìn lại một chặng đường đã qua và cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai hoạt động Cảnh giác Dược tại đơn vị, đồng thời cùng trao đổi, tìm giải pháp và phương hướng để tăng cường hiệu quả của hoạt động Cảnh giác dược trong giai đoạn tới, đưa Cảnh giác Dược tiệm cận với lâm sàng và giải quyết được các nguy cơ liên quan đến an toàn thuốc phát sinh trong thực hành lâm sàng.

 

 

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh trình bày bài báo cáo tại Hội nghị Cảnh giác Dược 2019 (23-24/8/2019)


 

Chi tiết bài trình bày "Thông tin thuốc và Cảnh giác dược tại Việt Nam - 10 năm một chặng đường" xin tải tại đây.

 

 

Tổng hợp: Nguyễn Phương Thúy

 

Các tin liên quan