Nhằm tổng kết các kết quả của hoạt động đã triển khai năm 2013, ngày 26 tháng 11 năm 2013 Trung tâm DI&ADR Quốc Gia-Trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức buổi hội nghị “Tổng kết hoạt động Cảnh giác Dược năm 2013”.
Buổi hội nghị có sự tham dự của GS.TS. Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y Tế, đại diện Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, đại diện Ban quản lý dự án trung ương, đại diện của 31 Sở Y tế, 29 bệnh viện trọng điểm thuộc hợp phần 2.1, Trường Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm DI & ADR Quốc Gia và chuyên gia tư vấn của Trung tâm DI & ADR trong lĩnh vực Cảnh giác dược, 03 chương trình y tế Quốc Gia, đại diện một số tổ chức Quốc tế tại Việt Nam: WHO, MSH, USAID.
PGS.TS. Nguyễn Đăng Hòa – Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội phát biểu khai mạc hội nghị và mong muốn hội nghị là nơi (1) Các đơn vị chia sẻ những kết quả đạt được, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động của dự án; (2) là cầu nối để các đơn vị tăng cường phối hợp và thúc đẩy triển khai hoạt động Cảnh giác dược trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Đồng thời, qua hội nghị này Ban quản lý hợp phần 2.1-Trường Đại học Dược Hà Nội mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía các cơ quản quản lý của Bộ Y Tế, các chương trình y tế Quốc Gia Lao, Sốt Rét và HIV/AIDS, các trường đào tạo y dược, cũng như các cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động Cảnh giác dược của 31 tỉnh và 29 bệnh viện trọng điểm. PGS.TS. Nguyễn Đăng Hòa cũng nhất mạnh toàn bộ các hoạt động của dự án nhằm tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn sử dụng thuốc và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Thứ trưởng Lê Quang Cường phát biểu ý kiến:
- Việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả là vấn đề then chốt cần được đẩy mạnh trong hệ thống y tế. Quy hoạch và hoàn thiện hệ thống cảnh giác dược trên phạm vi toàn quốc là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong giai đoạn tới.
- Đề xuất các giải pháp cụ thể tăng cường năng lực hệ thống trong giai đoạn tới gồm:
· Kiện toàn các văn bản pháp quy.
· Tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện
· Tăng cường các kênh báo cáo và phản hồi thông tin từ TW tới cơ sở
· Tích cực đào tạo kỹ năng Cảnh giác dược cho cán bộ y tế. Dựa trên các tài liệu quốc tế, xây dựng bộ tài liệu đào tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh tại Việt Nam. Chú ý đến độ an toàn của các thuốc có nguồn gốc dược liệu, thuốc Đông y
· Tăng cường các biện pháp truyền thông để nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế về sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả và an toàn.
TS. Socorro Escalantes, phát biểu ý kiến:
· Chia sẻ các thành công Trung tâm DI&ADR Quốc gia đạt được ngày hôm nay.
· Để đảm bảo mục tiêu về hoàn thiện hệ thống cảnh giác dược tại Việt Nam, cần có sự phối kết hợp của các thành phần trong hệ thống (Cơ quan quản lý, cơ sở khám chữa bệnh, các trường đại học, cơ sở sản xuất, kinh doanh..) và Trung tâm Quốc gia giữ vai trò kết nối các thành phần này.
Trong buổi hội nghị, Trung tâm DI &ADR Quốc gia đã tổ chức khen thưởng cho 10 đơn vị có số lượng báo cáo ADR nhiều nhất trong 03 năm giai đoạn 2010 -2012 với mục đích ghi nhận đóng góp của các đơn vị y tế tham gia tích cực trong công tác báo cáo ADR, và nhằm động viên khuyến khích cũng như thúc đẩy hơn nữa hoạt động này đó là: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện huyện An Phú, An Giang, Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Nhi đồng II, Bệnh viện Da liễu – TP. HCM, Viện Sốt rét Ký sinh Trùng và Côn trùng Trung Ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM.
Tại buổi hội nghị các đại biểu đã tham gia trình bày các vấn đề liên quan tới hoạt động cảnh giác Dược tại Việt Nam như sau:
· Báo cáo tổng kết hoạt động Hợp phần 2.1 (TS. Nguyễn Thị Thanh Hương – Ban quản lý hợp phần 2.1)
· Báo cáo tổng kết hoạt động của Trung tâm DI&ADR Quốc gia năm 2013 (TS. Nguyễn Hoàng Anh –Trung tâm DI&ADR Quốc Gia)
· Văn bản quản lý liên quan đến an toàn thuốc (ThS. BS. Hoàng Thanh Mai – Cục quản lý Dược)
· Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc (ThS Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh)
· Hướng dẫn hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (ThS. Lê Kim Dung – Cục quản lý Khám, chữa bệnh trình bày)
· Trình bày bài Tổng kết hoạt động cảnh giác dược trong Chương trình phòng chống Sốt rét năm 2013 (TS. Nguyễn Thị Minh Thu - Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương)
· Báo cáo nghiệm thu nghiên cứu giai đoạn đầu về tỷ lệ nhập viện do những biến cố liên quan đến thuốc ở các bệnh viện trọng điểm tại Việt Nam (nghiên cứu E23.1) (PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khôi – Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh)
· Nghiên cứu tỷ lệ biến cố có hại của thuốc đã báo cáo được xử trí phù hợp tại các bệnh viện trọng điểm: Kết quả nghiên cứu ban đầu và định hướng triển khai nghiên cứu trong năm 2014 (TS. Nguyễn Thị Thanh Hương – Trường Đại học Dược Hà Nội)
· Vai trò của Sở Y tế trong công tác Cảnh giác dược (DS. Nguyễn Thị Bê – Sở Y Tế An Giang)
· Quy trình thu thập, báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại bệnh viện Bạch Mai (DS. Nguyễn Thị Huế - Bệnh viện Bạch Mai )
· Triển khai hoạt động báo cáo ADR tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (DS. Nguyễn Mai Trang – Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch)
· Hoạt động B7.5: Nghiên cứu đánh giá sử dụng thuốc tại các bệnh viện trọng điểm (TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Trường Đại học Dược Hà Nội)
· Đánh giá năng lực hoạt động của hệ thống Cảnh giác dược tại Việt Nam sử dụng bộ công cụ IPAT: hiệu quả khảo sát từ các cơ sở khám, chữa bệnh (ThS. Nguyễn Tứ Sơn – Trường Đại học Dược Hà Nội)
· Tổng kết hoạt động theo dõi tích cực phản ứng có hại của thuốc ARV tại các cơ sở điều trị trọng điểm (DS. Nguyễn Phương Thúy – Trung tâm DI&ADR Quốc Gia)
· Triển khai hoạt động của Hợp phần 2.1 giai đoạn II (2014-2016) (TS. Nguyễn Thị Thanh Hương – Ban quản lý hợp phần 2.1)
Để bế mạc hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Đăng Hòa cảm ơn các đại diện phát biểu tham luận và cảm ơn sự hiện diện của tất cả các đối tác đã tham dự hội thảo, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác nhiều hơn nữa của tất cả các đối tác đặc biệt là các cán bộ y tế thuộc 31 tỉnh và 29 bệnh viện trọng điểm của dự án để cùng thúc đẩy hoạt động Cảnh giác dược, hướng tới đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Độc giả có thể xem và tải các bài báo cáo trong hội nghị tại đây.