Bài báo khoa học: Phân tích hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc trong cơ sở dữ liệu báo cáo ADR tự nguyện tại Việt Nam dựa trên phân tích bất đối xứng dưới nhóm

Drug‐induced Stevens‐Johnson syndrome and toxic epidermal necrolysis in Vietnamese spontaneous adverse drug reaction database: A subgroup approach to disproportionality analysis

 

Hội chứng Stevens Johnson (SJS) và hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN) là các phản ứng có hại do thuốc tuy hiếm gặp nhưng có tỷ lệ nặng và nguy cơ tử vong cao. Do liên quan đến yếu tố di truyền, các nhóm chủng tộc tại Châu Á, trong đó có Việt Nam là nhóm đối tượng có nguy cơ gặp phản ứng cao hơn. Tại Việt Nam, cơ sở dữ liệu báo cáo ADR với tỷ lệ lớn ghi nhận các phản ứng dị ứng ngoài da là nguồn dữ liệu tiềm năng để phân tích tín hiệu liên quan đến 2 hội chứng này. Bên cạnh đó, phương pháp phân tích bất đối xứng dưới nhóm được cho là có ưu điểm hơn các phương pháp truyền thống trong việc pháp hiện tín hiệu an toàn thuốc từ cơ sở dữ liệu báo cáo ADR tự nguyện.

 

Trên cơ sở đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích nguy cơ xảy ra SJS/TEN dựa trên cơ sở dữ liệu báo cáo ADR tự  nguyện tại Việt Nam. Theo đó, dữ liệu báo cáo ADR trong giai đoạn 2010 – 2015 được phân tích và tính toán tỷ suất chênh báo cáo (reporting odds ratio – ROR) trên cơ sở so sánh báo cáo ghi nhận SJS/TEN (case) với các báo cáo nghi nhận phản ứng trên da nặng xảy ra muộn khác (non-case).

 

Trên tổng số 28.698 báo cáo được ghi nhận trong giai đoạn 2010-2015, nghiên cứu đã ghi nhận 14 894 (51.7%) báo cáo về các phản ứng trên da và có 2980 báo cáo về các phản ứng nặng xảy ra muộn với thuốc nghi ngờ chủ yếu là các kháng sinh. Trong số 136 báo cáo về SJS và TEN,  carbamazepine, allopurinol, paracetamol là 3 thuốc nghi ngờ được báo cáo nhiều nhất. Phân tích chỉ số ROR cho thấy carbamazepin, allopurinol, paracetamol, thuốc có nguồn gốc dược liệu, sulfamethoxazole/trimethoprim, cefixim, colchicin, acid valproic và meloxicam là các thuốc hình thành tín hiệu với SJS/TEN.

 

Nghiên cứu đã cho thấy một số đặc điểm của cơ sở dữ liệu báo cáo ADR tại Việt Nam và bước đầu cho thấy tính khả thi của phương pháp phân tích bất đối xứng cho cơ sở dữ liệu này. Nghiên cứu cũng phát hiện một số thuốc có tín hiệu khá rõ rệt với hội chứng SJS/TEN, làm tiền đề cho các nghiên cứu và đánh giá tiếp theo.

 

Nội dung chi tiết xin xem tại: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/jcpt.12754

 


(ảnh chụp trang đầu bài báo)

 

Điểm tin: Nguyễn Hoàng Anh (b)

Các tin liên quan