Hội nghị thường niên các Trung tâm Cảnh giác Dược Quốc gia tham gia vào Chương trình Giám sát thuốc quốc tế của WHO lần thứ 41 đã được diễn ra từ ngày 5-9/11/2018 tại Trụ sở chính của Tổ chức Y tế thế giới, Geneva - Thụy Sỹ. Đây là diễn đàn lớn nhất thế giới quy tụ đại diện các Trung tâm Cảnh giác Dược Quốc gia, các chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và hoạch định chính sách hoạt động trong lĩnh vực theo dõi an toàn thuốc, đặc biệt tăng cường hoạt Cảnh giác Dược tại các quốc gia đang phát triển.
Chương trình giám sát thuốc quốc tế (The WHO Programme for International Drug Monitoring (PIDM)) được Tổ chức Y tế Thế giới thiết lập năm 1968 ban đầu chỉ có 10 thành viên. Tính đến cuối năm 2018 - tức là sau 50 năm hoạt động, số lượng quốc gia tham gia vào Chương trình đã lên đến con số 161 và có 132 quốc gia đã gửi báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) tới Cơ sở dữ liệu toàn cầu Vigibase (WHO global database - VigiBase)
Trong hội nghị thường niên năm nay, WHO PIDM và các quốc gia thành viên đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, đồng thời Hội nghị cũng thảo luận về các thách thức của Cảnh giác Dược và theo dõi an toàn thuốc trong thời kỳ mới. Bên cạnh các chủ đề về những thách thức và những giải pháp Cảnh giác Dược tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, hội nghị cũng bàn thảo các vấn đề về tăng cường giám sát của các thiết bị y tế, sai sót trong sử dụng thuốc, phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, ADR trên các đối tượng đặc biệt, các chương trình đào tạo liên tục về an toàn thuốc cũng như truyền thông về Cảnh giác Dược.
Đoàn đại biểu đến từ Việt Nam bao gồm 03 thành viên:
1. ThS. Phạm Văn Quyến - Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội
2. ThS. Võ Thị Thu thủy - Phó Giám đốc Trung tâm DI&ADR Quốc gia
3. TS. Vũ Đình Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm DI & ADR Quốc gia
Trong đó, TS. Vũ Đình Hòa đã có bài trình bày trước hội nghị với chủ đề "Tính phòng tránh được của các ADR - tín hiệu cần được quan tâm khai thác trong quy trình Cảnh giác Dược."
Tổng hợp: Nguyễn Phương Thúy