Hội nghị thường niên các Trung tâm Cảnh giác Dược Quốc gia tham gia vào Chương trình Giám sát thuốc quốc tế của WHO lần thứ 42 đã được diễn ra từ ngày 28/10/2019 đến 01/11/2019 tại thành phố Bógota, Columbia. Đây là diễn đàn lớn nhất thế giới quy tụ đại diện các Trung tâm Cảnh giác Dược Quốc gia, các chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và hoạch định chính sách hoạt động trong lĩnh vực theo dõi an toàn thuốc, đặc biệt tăng cường hoạt Cảnh giác Dược tại các quốc gia đang phát triển.
Chương trình giám sát thuốc quốc tế (The WHO Programme for International Drug Monitoring (PIDM)) được Tổ chức Y tế Thế giới thiết lập năm 1968 ban đầu chỉ có 10 thành viên. Tính đến cuối năm 2019 - tức là sau 51 năm hoạt động, số lượng quốc gia tham gia vào Chương trình đã lên đến con số 166 và có 136 quốc gia đã gửi báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) tới Cơ sở dữ liệu toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO global database - VigiBase)đặt tại Trung tâm giám sát thuốc quốc tế Uppsala – Thụy Điển (UMC)
Trong hội nghị thường niên năm nay, WHO PIDM và các quốc gia thành viên đã thảo luận xây dựng khuyến cáo cho hoạt động phát hiện tín hiệu từ cơ sở dữ liệu trong đó có nhấn mạnh đến điều kiện cơ sở dữ liệu hạn chế từ các nước đang phát triển cũng như khả năng tận dụng cơ sở dữ liệu VigiBase của UMC. Đồng thời hội nghị cũng trao đổi về vấn đề xây dựng khuyến cáo cho hoạt động báo cáo các ca biến cố bất lợi đơn lẻ. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới cũng đề xuất chính sách mới về việc xây dựng, phát triển và áp dụng hệ thống đánh giá đo lường hoạt động Cảnh giác Dược trong khuôn khổ từng quốc gia và trên toàn thế giới.
Đại diện Trung tâm DI&ADR Quốc gia - TS. Vũ Đình Hòa đã có bài trình bày về “Ngộ độc thuốc tê nhầm lẫn với phản ứng phản vệ, tín hiệu từ cơ sở dữ liệu cảnh giác dược” trong khuôn khổ chủ đề “Tín hiệu đang được quan tâm” (signal of current interest). Báo cáo nhận được sự phản hồi tích cực của các đại biểu tham dự hội nghị
Ảnh: Bài trình bày “Ngộ độc thuốc tê nhầm lẫn với phản ứng phản vệ, tín hiệu từ cơ sở dữ liệu cảnh giác dược”
Các kiến thức học hỏi và tổng kết được được trong quá trình tham gia hội nghị sẽ là căn cứ để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ đào tạo về an toàn thuốc cho các nhân viên y tế trên cả nước. Bên cạnh đó các chính sách sắp được triển khai của Who được trình bày tại hội nghị là căn cứ để Trung tâm có kế hoạch để triển khai và áp dụng tại Việt Nam cũng như có các đối sách trong tình hình mới.
Người tổng hợp: DS. Nguyễn Phương Thúy