Kỷ niệm 1 năm hoạt động Trung tâm DI & ADR Quốc gia

Ngày 29/06/2010, Trung tâm DI & ADR Quốc gia - Trường Đại học Dược Hà Nội vừa kỷ niệm 1 năm đi vào hoạt động và công bố những kết quả đã và đang thực hiện trong thời gian qua.

Trung tâm DI & ADR Quốc gia được thành lập theo quyết định số 991/ QĐ-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế kí ngày 24/03/2009 và chính thức đi vào hoạt động ngày 09/06/2009. Trong suốt 1 năm qua, toàn thể đội ngũ cán bộ và chuyên viên đã không ngừng phấn đấu tận tâm cống hiến hết mình thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Sau đây là một vài thông tin chính:

 


PGS.TS. Nguyễn Đăng Hòa – Giám đốc TT DI & ADR Quốc gia báo cáo hoạt động 1 năm

      Các đại biểu phát biểu ý kiến

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Về hoạt động thông tin thuốc, trung tâm đã cung cấp thông tin cho Cục quản lý khám chữa bệnh, Cục quản lý dược và Hội đồng xét duyệt thuốc dưới dạng 11  báo cáo tổng quan khoa học là cơ sở giúp các cơ quan này ra các quyết định quản lý (cấp số đăng ký lưu hành và hướng dẫn sử dụng thuốc). Đồng thời, cung cấp thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc cho một số khoa dược bệnh viện như: bệnh viện Phụ sản TW, Nhi TW, Bạch Mai, Lao, Tim Hà Nội, Thanh Nhàn, Nội tiết, Phú Thọ… Trong đó, theo họ trị liệu: 52% tổng số yêu cầu cung cấp thông tin về kháng sinh, 20% câu hỏi về tiểu đường và tim mạch; nếu phân loại theo nội dung câu hỏi thì có 44 % yêu cầu thông tin về sử dụng thuốc trên các đối tượng và sử dụng thuốc trong các tình huống cụ thể 20% số câu hỏi đề nghị được tư vấn về tác dụng dược lý của các thuốc.

Để có một cơ sở dữ liệu thông tin thuốc chính thống phục vụ công tác nghiệp vụ của Trung tâm cũng như đáp ứng nhu cầu tra cứu của các cán bộ y tế trong tương lai, Trung tâm đã và đang triển khai xây dựng phần mềm quản lí các chuyên luận về thuốc thiết yếu có mặt trên thị trường Việt Nam với các tính năng: tra cứu thông tin thuốc, duyệt đơn thuốc. Ngoài ra, phần mềm còn có thể giúp người dùng kiểm tra tương tác cũng như là tương hợp-tương kị của thuốc khi sử dụng trên lâm sàng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hoàn thành việc thu thập, đánh giá các bộ CSDL (dạng hardcopy, dạng trực tuyến) hiện đang được sử dụng tại VN và các CSDL có uy tín trên thế giới để tìm hiểu tính năng, nội dung, ưu nhược điểm và khả năng áp dụng bộ các CSDL tại VN.

 

Về hoạt động cảnh giác dược, trung tâm chính thức tiếp nhận báo cáo ADR từ 1/1/2010, và đến nay đã nhận được 419 báo cáo ADR từ bệnh viện và 14 báo cáo ADR từ các công ty nước ngoài. Trung tâm đã tiến hành phân loại sơ bộ, nhập số liệu, gửi thư cảm ơn tới các đơn vị gửi báo cáo.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đơn vị y tế trong nước và các chuyên gia, đồng nghiệp nước ngoài, Trung tâm đã thực hiện thiết kế lại mẫu báo cáo ADR mới: ngắn gọn, khoa học, đầy đủ thông tin về ADR + chất lượng thuốc + sai sót trong điều trị. Các hoạt động cần thiết đang được tiến hành để mẫu được ban hành chính thức.

 

Bên cạnh việc triển khai hoạt động cảnh giác dược dựa trên các báo cáo tự nguyện, dưới sự hỗ trợ của WHO, MSH, phối hợp với Cục phòng chống HIV - AIDS, Trung tâm đã tham gia khảo sát thu thập số liệu, xây dựng protocol chủ động theo dõi phản ứng có hại của thuốc kháng HIV tại Việt Nam, đề xuất dự án xin tài trợ của Global Fund nhằm triển khai hoạt động này cũng như phát triển hệ thống cảnh giác dược trên cả nước.

 

Ngoài những hoạt động chính thường niên trên, trung tâm còn tham gia và tổ chức nhiều chương trình khác như: Tổ chức “Hội thảo các đối tác hỗ trợ hệ thống Thông tin thuốc và Cảnh giác Dược tại Việt Nam” (29/10/2009); Tổ chức “Khoá đào tạo về cảnh giác dược” cho các bộ y tế của một số tỉnh trong toàn quốc (12-13/12/2009) tại Hà Nội do chuyên gia của tổ chức Cảnh giác Dược quốc tế trực tiếp giảng dạy, với số lượng học viên là 183 cán bộ y tế đến từ các bệnh viện, cơ sở điều trị, công ty nước ngoài… của các tỉnh và HN; Dự án"Đánh giá năng lực quốc gia về thông tin thuốc và cảnh giác dược” – WHO tài trợ. Tham gia 1 báo cáo giới thiệu khái quát về vai trò của cảnh giác dược với mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho cộng đồng tại hội thảo Dược, được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh (1/2010), do công ty Fresenius tài trợ. Tham gia báo cáo về tầm quan trọng của công tác báo cáo ADR tại Bệnh viện 198 cho đối tượng là các bác sĩ, dược sĩ của Bệnh viện (5/2010). Tham gia xây dựng chương trình chi tiết về học phần cảnh giác dược cho hệ đào tạo cao học của trường.Tham gia hướng dẫn sinh viên thực hiện 6 khoá luận tốt nghiệp đại học với các đề tài liên quan đến thông tin thuốc và cảnh giác dược đat được kết quả cao…Về hoạt động xuất bản, “Bản tin Dược lâm sàng và điều trị” được trung tâm xuất bản 8 số từ 7/2009 và đến tháng 6/2010 trung tâm đã phối hợp với trường ĐH Dược Hà Nội cho ra mắt “Tạp chí Nghiên cứu dược và thông tin thuốc”. Đây là một nỗ lực lớn và đánh dấu 1 năm hoạt động xuất bản của trung tâm.

 

Để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc, trung tâm luôn chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, chuyên viên với nhiều khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở cả trong nước và nước ngoài. Trung tâm cũng quan tâm đến đời sống tinh thần của cán bộ nhân viên, tạo môi trường làm việc đoàn kết và tạo sự gắn bó trong tập thể trung tâm.

 

Nhân dịp kỷ niệm 1 năm hoạt động, toàn thể đội ngũ cán bộ chuyên viên Trung tâm DI & ADR xin gửi lời cảm ơn tới các cơ quan ban ngành, các nhà tài trợ, các cơ sở y tế trong toàn quốc, các cộng tác viên đã ủng hộ giúp đỡ chúng tôi trong suốt thời gian qua và hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác trong thời gian tới. Chặng đường trước mắt với nhiều thách thức và nhiều cơ hội, Ban giám đốc và toàn thể cán bộ, chuyên viên trung tâm cam kết cùng nhau xây dựng một trung tâm DI & ADR ngày các lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu ngành Dược cũng như ngành y tế Việt Nam.

 

Các đại biểu tặng hoa chúc mừng.

Các tin liên quan