Dựa trên cơ sở dữ liệu báo cáo ADR tự nguyện tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu từ Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã tiến hành phân tích xu hướng và các tín hiệu đặc thù về phản ứng phản vệ trong cơ sở dữ liệu (Drug‑Induced Anaphylaxis in a Vietnamese Pharmacovigilance Database: Trends and Specifc Signals from a Disproportionality Analysis). Bài báo đã được đăng trên tạp chí Drug Safety của Hội Cảnh giác Dược Quốc tế, đây là một trong các tạp chí hàng đầu về Cảnh giác Dược trên thế giới với IF = 3,64).
Nghiên cứu được tiến hành trên cơ sở dữ liệu báo cáo ADR giai đoạn 2010 - 2016, tín hiệu được phân tích bằng phương pháp phân tích đa biến bất đối xứng (multivariate disproportionality analysis). Nghiên cứu đã phân tích 4873 trường hợp phản vệ do thuốc (chiếm 13,2% tổng số báo cáo) với số lượng tăng dần qua các năm (p < 0,001). Thuốc được ghi nhận gây phản vệ nhiều nhất bao gồm các kháng sinh đường dùng toàn thân (n = 3318; 68%) với các cephalosporin thế hệ 3 chiếm đa số (n = 1961; 40,2%). Một số tín hiệu đáng lưu ý khác bao gồm phản vệ liên quan đến các thuốc cản quang, thuốc gây mê, alpha-chymotrypsin và amoxicillin/sulbactam. Các phát hiện nói trên một phần cho thấy đặc điểm sử dụng thuốc tại Việt Nam, đặc biệt là các kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 và các thuốc không còn dược lưu hành rộng rãi trên thế giới như alpha-chymotrypsin và amoxicillin/sulbactam.
Nhân dịp này, Trung tâm DI&ADR Quốc gia xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến tất cả các cán bộ y tế đã tham gia gửi báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) về Trung tâm DI&ADR Quốc gia nhằm góp phần đảm bảo việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
Xem và tải fulltext bài báo tại đây.
Tổng hợp: DS Nguyễn Hoàng Anh.