Điểm tin nghiên cứu (JAMA): Kiểm soát viêm dài hạn trong thoái hóa khớp gối (Dario Gregori và cộng sự)

Viêm khớp là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất trên thế giới và bệnh nhân có nguy cơ dẫn đến tàn tật suốt đời. Để kiểm soát tốt viêm khớp/thoái hóa khớp cần xây dựng chiến lược điều trị điều lâu dài, trong đó điều trị triệu chứng (đau và hạn chế vận động) và hạn chế biến đối cấu trúc khớp đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó các bài tổng quan hệ thống về các phương pháp điều trị viêm khớp trước đây thưởng chỉ tập trung vào đánh giá kiểm soát đau ngắn hạn mà chưa xem xét đến hiệu quả dài hạn. Vì vậy, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu này, tập trung vào phân tích định lượng tác dụng dài hạn của các phác đồ viêm khớp gối từ những thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (RCTs).

 

 

TS. Dario Gregori và cộng sự đã tiến hành một tổng quan hệ thống - phân tích meta nhằm đánh giá tác dụng dài hạn của các phác đồ viêm khớp gối từ những thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (RCTs). Khớp gối được lựa chọn vì đây là loại viêm khớp thường gặp nhất và có tỷ lệ dẫn tới tàn tật cao nhất. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Journal oAmerican Medical Association (JAMA) nổi tiếng.


Nhóm nghiên cứu đã tra cứu các cơ sở dữ liệu y khoa toàn văn như MEDLINE, Scopus, EMBASE, Web of Science, và Cochrane Central Register of Controlled Trials cho đến 30 tháng 06 năm 2018 (MEDLINE alerts thì được tra cứu tới 31 tháng 08 năm 2018) để thu thập những RCTs trên bệnh nhân viêm khớp gối có thời gian điều trị ít nhất là 1 năm.

 

47 thử nghiệm lâm sàng (22037 bệnh nhân, độ tuổi trung bình 55 – 70 tuổi, tỉ lệ nữ giới cao hơn nam giới 70%) đã được thực hiện với các nhóm thuốc: thuốc giảm đau; chất chống oxy hóa; bisphosphonate và strontium ranelate; NSAIDs; thuốc tiêm nội khớp: hyaluronic acid, corticosteroids; thuốc tác dụng chậm: glucosamine và chondroitin sulfate; các tác nhân được cho là làm chậm tiến triển của bệnh cindunistat và sprifermin. Các nghiên cứu được thực hiện từ 1 – 4 năm, gồm 31 can thiệp với triệu chứng đau, 13 can thiệp chức năng vật lí và 16 can thiệp cấu trúc khớp. Triệu chứng đau thuyên giảm ở nhóm bệnh nhân sử dụng NSAIDs celecoxib (SMD, −0.18 [95%CrI, −0.35 tới −0.01]) và glucosamine (SMD, −0.29 [95%CrI, −0.49 tới −0.09]) so nhóm sử dụng giả dược nhưng kết quả không chắc chắn. Có một số nghiên cứu công bố rằng chỉ glucosamine sulfate cho thấy tác dụng giảm đau nhưng các nghiên cứu này sử dụng những thang điểm khác nhau và còn tồn tại nhiều sai số. Đối với tiêu chí cải thiện sự thu hẹp bề rộng khoang khớp, các nhóm sử dụng glucosamine sulfate (SMD, −0.42 [95%CrI, −0.65 tới −0.19]), chondroitin sulfate (SMD, −0.20 [95%CrI, −0.31 tới −0.07]), và strontium ranelate (SMD, −0.20 [95%CrI, −0.36 tới −0.05]) có được cải thiện.

Bàn luận

Celecoxib và glucosamine sulfate đều có hiệu quả giảm đau, nhưng hiệu quả của celecoxib tương đối thấp và không quan sát được ở nghiên cứu chất lượng cao. Trong phân tích định lượng, cả hai nhóm đều cho kết quả không chắc chắn khi so sánh với giả dược. Glucosamine sulfate có thể cải thiện chức năng vật lí và cấu trúc khớp trong tiêu chí nghiên cứu phụ.

 

NSAIDs là nhóm thuốc phổ biến nhất trong điều trị viêm khớp, cho thấy hiệu quả giảm đau ở mức độ vừa phải khi so sánh với giả dược hoặc acetaminophen trong thử nghiệm lâm sàng kéo dài 12 tuần trở xuống. Tuy nhiên khuyến cáo nên sử dụng NSAIDs trong thời gian ngắn hoặc sử dụng thành từng đợt không liên tục. Phân tích cho thấy celecoxib là NSAID duy nhất cải thiện được triệu chứng đau dài hạn, nhưng kết quả trên lại không quan sát được sau khi đã loại bỏ các thử nghiệm có nguy cơ sai lệch cao, hoặc khi kết quả được đánh giá trên thang điểm từ 0 đến 100.

Không có bằng chứng nào cho thấy celecoxib cải thiện được các chức năng vật lí. Celecoxib dung nạp qua đường tiêu hóa tốt hơn và không có nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch so với NSAIDs không chọn lọc. Tuy nhiên vẫn còn rất sớm để đưa ra khuyến cáo sử dụng NSAIDs lâu dài và liên tục. Không có bất kì một NSAIDs nào cải thiện sự thu hẹp bề rộng khoang khớp (JSN).

Glucosamine sulfate cho thấy hiệu quả giảm đau, cải thiện chức năng vật lí và JSN. Các dạng glucosamine khác không cho thấy được hiệu qủa trên. Điều này phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây. Glucosamine sulfate có hiệu quả ở mức độ từ thấp tới trung bình.

Sự kết hợp giữa tiêm nội khớp hyaluronic acid và corticosteroids cho lợi ích trung bình nhưng có hiệu quả giảm đau tốt. Nghiên cứu trước chỉ ra sự khác biệt trong hiệu quả giảm đau giữa tiêm nội khớp corticosteroids và hyaluronic acid. Corticosteroids có tác dụng tốt trong vài tuần đầu tiên và hyaluronic acid cho lợi ích lớn hơn từ 3 đến 6 tháng tiếp theo. Tuy nhiên kết qủa báo cáo ở đây lại cho thấy hyaluronic acid và corticosteroids không có hiệu quả giảm đau lâu dài.

Acetaminophen là loại thuốc rẻ tiền, giảm đau ngắn hạn và an toàn khi sử dụng lâu dài.

Trong tiêu chí nghiên cứu phụ, glucosamine sulfate cải thiện JSN, sau đó là chondroitin sulfate và strontium ranelate. Sử dụng glucosamine sulfate hoặc chondroitin được khuyến cáo là bước đầu tiên trong việc quản lí bệnh viêm khớp gối. Không có sự cải thiện triệu chứng lâu dài nào khi sử dụng chondroitin.

Strontium ranelate chỉ được chấp thuận ở châu Âu cho điều trị loãng xương và việc sử dụng đang bị hạn chế do nguy cơ tim mạch. Các hoạt chất gắn vào xương như bisphosphonates được tham gia vào thử nghiệm lâm sàng do lợi ích tiềm năng trong chu chuyển xương dưới sụn. Tuy nhiên không có hoạt chất nào cải thiện JSN. Kết quả tương tự với các nhóm thuốc khác, bao gồm các thuốc được cho là làm chậm tiến triển của bệnh.

Tuy nhiên dữ liệu về sprifermin nên được xem xét thận trọng vì thuốc đang trong quá trình nghiên cứu. Thử nghiệm thuốc trong tương lai có khả năng sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ để phát hiện các thay đổi trong cấu trúc khớp trong bệnh viêm khớp vì biện pháp X-quang JSN có những hạn chế nhất định. Ý nghĩa lâm sàng của hình ảnh thay đổi cấu trúc khớp đang tiếp tục được tranh luận trong cộng đồng y khoa.

 

Kết luận chung

Với thời gian sử dụng thuốc tối thiểu là 12 tháng, nghiên cứu chưa ghi nhận được hiệu quả giảm đau của các phác đồ đang được sử dụng so với giả dược. Cần thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn hơn để khẳng định các kết quả tích cực.
 

Nguồn: https://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/2719308?resultClick=1

 

Người tổng hợp: Nguyễn Thị Thu Hà - Nguyễn Phương Thúy