Giới thiệu về chuyên đề đào tạo liên tục “Bệnh học và sử dụng kháng sinh hợp lý trong nhiễm khuẩn bệnh viện”

Đây là một trong số các chuyên đề đào tạo liên tục CME mới được phê duyệt bởi Trường Đại học Dược Hà Nội theo Quyết định 621/QĐ-DHN ngày 18/6/2019.

 

Các bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra nhiều hậu quả trên người bệnh và hệ thống y tế như tăng tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong; kéo dài thời gian nằm viện, thời gian điều trị cũng như tăng chi phí điều trị; làm tăng nguy cơ kháng thuốc cho người bệnh nói riêng và cộng đồng nói chung. Do đó, quản lý sử dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát vấn đề sử dụng kháng sinh không phù hợp, hạn chế kháng thuốc và tối ưu hóa hiệu quả điều trị.


Với sự tham gia giảng dạy của bác sĩ lâm sàng, bác sĩ vi sinh và dược sĩ, chuyên đề “Bệnh học và sử dụng kháng sinh hợp lý trong nhiễm khuẩn bệnh viện” sẽ cung cấp cho học viên các kiến thức và kỹ năng nhằm phân tích các trường hợp bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện dưới tiếp cận bệnh học, vi sinh và dược lý lâm sàng để đưa ra lựa chọn thuốc và chế độ liều phù hợp, vận dụng các kiến thức được tập huấn vào việc triển khai chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện, từ đó đẩy mạnh công tác sử dụng các thuốc kháng sinh hợp lý, an toàn và hiệu quả tại đơn vị mà học viên đang công tác. Nội dung chuyên đề được xây dựng xuất phát từ các tình huống thực tế với các bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện cụ thể. Qua đó, học viên có thể hiểu và áp dụng tốt hơn trong điều kiện thực hành tại các cơ sở khám, chữa bệnh.


Chương trình đào tạo có thời lượng 4 buổi (tương đương 16 giờ) gồm các nội dung chính như sau: 

I.Tiếp cận bệnh nhân, bệnh án trong nhiễm khuẩn bệnh viện 

II.Đại cương về vi sinh lâm sàng trong nhiễm khuẩn bệnh viện

III.Triển khai chương trình quản lý kháng sinh trong bệnh viện

IV.Bệnh học và sử dụng kháng sinh hợp lý trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn cụ thể (VD: Viêm phổi bệnh viện...)

V.Bệnh học và sử dụng thuốc kháng nấm hợp lý trong điều trị bệnh nhiễm nấm xâm lấn (VD: Candida...)

 

Sau khi kết thúc tập huấn, học viên sẽ được cấp chứng chỉ CME được cấp bởi Trường Đại học Dược Hà Nội.

 

Khóa tập huấn đầu tiên theo chuyên đề trên, với đối tượng học viên là các dược sĩ lâm sàng tại bệnh viện, dự kiến sẽ được triển khai dưới sự phối hợp giữa Trung tâm DI & ADR Quốc gia - Trường Đại học Dược Hà Nội và VPĐD Công ty Merck Sharp & Dohme (MSD) tại Việt Nam trong tháng 8-10/2019. 

 

- Khóa học bao gồm 2 buổi học trực tuyến (online - Phần I, II và III) và 2 buổi học trực tiếp (Phần IV - V) tại Hà Nội. Để được cấp chứng chỉ CME, học viên cần tham dự đầy đủ 4 buổi học này và làm bài lượng giá sau khóa học. 

- Số lượng học viên tối đa đăng ký tham dự đủ 4 buổi học để nhận chứng chỉ CME là 80 người. 

- Các trường hợp tham gia không đủ 4 buổi học, vẫn có thể tham dự các buổi online hoặc các buổi giảng trực tiếp có truyền qua webcast nhưng không được cấp chứng chỉ, đề nghị học viên ghi rõ lớp muốn tham gia để Ban tổ chức làm các thủ tục cung cấp đường link tham dự. 

- Thông tin đăng ký bao gồm: Họ tên, đơn vị công tác, điện thoại, email và các buổi tham dự (online/trực tiếp).

- Học viên hoặc đơn vị cử học viên nếu đăng ký tham dự buổi học trực tiếp sẽ tự chi trả các chi phí ngoài tập huấn (ăn ở, đi lại...). 

 

Quý đồng nghiệp quan tâm đến khóa học trên, xin liên hệ với DS. Cao Thị Thu Huyền - Trung tâm DI & ADR Quốc gia (SĐT: 0982 062 882, email: huyencaott@gmail.com).