Các điều tra lâm sàng của Fpin trị liệu với Metformin và việc phòng ngừa đái tháo đuờng ở những thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì

Câu hỏi lâm sàng Liệu pháp dùng metformin (Glucophage)có làm giảm tỉ lệ thanh thiếu niên béo phì đang tiến triển thành đái tháo đường?

 


Câu trả lời có bằng chứng

Khôngcó nghiên cứu nào trả lời câu hỏi liệu metformin có làm giảm sự phát triển của bệnh ĐTĐ ở những thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì hay không. Việc điều trị bằng metformin ở những thanh niên mắc bệnh béo phì có thể làm  giảm phần nào các yếu tố nguy cơ đối với bệnh ĐTĐ typ 2, bao gồm các chỉ số khối cơ thể (BMI), chỉ số đường huyết và insulin huyết lúc đói (mức độ khuyến cáo: C)*. Tuy nhiên, việc điều trị bằng metformin thường đi kèm các triệu chứng buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy (mức độ khuyến cáo: A). Do những dữ liệu còn hạn chế nên metformin chưa được khuyến cáo cho chỉ định phòng ngừa ĐTĐ ở lứa tuổi thanh thiếu niên (mức độ khuyến cáo C).

Tóm lược các bằng chứng

Thừa cân và béo phì thường đi kèm với sự gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh  ĐTĐ typ 2, tăng huyết áp, tăng lipid máu, các bệnh tim mạch, viêm khớp và các tình trạng bệnh lý khác. Sự gia tăng nhanh chóng tỉ lệ trẻ em thừa cân, từ 5% số người độ tuổi 12-19  trong khoảng thời gian 1976 - 1980 lên 17,4% trong khoảng thời gian 2003 – 2004 đang thu hút sự chú ý đặc biệt. Sự thừa cân nghiêm trọng ở trẻ nhỏ (chỉ số BMI cao hơn 95% so với mức bình thường) có liên quan đến bệnh béo phì ở tuổi trưởng thành và các hậu quả của nó. ĐTĐ typ 2 nhanh chóng trở thành typ ĐTĐ thường gặp ở trẻ em.

Chương trình phòng ngừa bệnh ĐTĐ (Diabetes Prevention Program-DPP) là một nghiên cứu kéo dài 3 năm với 3234 người trưởng thành, béo phì và không mắc bệnh tiểu đường nhưng chỉ số đường huyết lúc đói tăng - đã chỉ ra rằng: điều trị bằng metformin có thể ngăn chặn sự phát triển của ĐTĐ typ2. Nghiên cứu DPP cũng cho thấy rằng điều trị bằng thuốc ít có hiệu quả hơn việc thay đổi lối sống; 58% số người tham gia trong nhóm thay đổi lối sống không tiến triển thành bệnh ĐTĐ so với 31% trong nhóm sử dụng metformin. Chưa có một nghiên cứu riêng được tiến hành để tìm hiểu việc dùng metformin trong phòng ngừa bênh ĐTĐ ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Ba thử nghiệm lâm sàng nhỏ ngẫu nhiên, có kiểm soát đã được tiến hành để đánh giá việc sử dụng metformin trong điều trị béo phì ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, những nghiên cứu này vẫn còn bị hạn chế bởi thời gian nghiên cứu ngắn (9 tuần đến một năm), cỡ mẫu nhỏ (22 đến 29 bệnh nhân), và thất bại trong việc xác định các chỉ số sinh lý đo lường kết quả nghiên cứu (chỉ số BMI, chỉ số đường huyết và insulin lúc đói). Tuy các nghiên cứu này đã cho thấy có sự giảm đôi chút về chỉ số BMI (khoảng 1-2 mg/kg) và cân nặng (3-4 kg), song những hiệu quả lâm sàng và tính an toàn lâu dài của những thuốc này đối với thanh thiếu niên còn chưa được làm sáng tỏ. Hơn nữa, buồn nôn là một tác dụng không mong muốn hay gặp trong điều trị. Trong một nghiên cứu, 40% người tham gia thử nghiệm đã có cảm giác khó chịu vùng bụng hoặc tiêu chảy.

Khuyến cáo từ các nguồn khác

Hiệp hội ĐTĐ Mỹ khuyến cáo nên thay đổi lối sống và tránh tăng cân nhằm phòng ngừa bệnh ĐTĐ ở thanh thiếu niên. Chưa có tổ chức chuyên môn nào tán thành với việc sử dụng metformin cho những thanh thiếu niên không có hội chứng buồng trứng đa nang hoặc ĐTĐ typ 2.

Bình luận về mặt lâm sàng

Việc sử dụng metformin ở những người trưởng thành béo phì giúp giảm cân và trì hoãn sự phát triển thành ĐTĐ. Tuy nhiên, những bệnh nhân mong muốn dùng thuốc lâu dài (có thể gây cảm giác buồn nôn) cũng nên tuân thủ biện pháp rèn luyện thể lực, thực hiện chế độ ăn kiêng giảm calo, bỏ thuốc lá và nếu cần có thể dùng các thuốc hạ huyết áp. Hơn thế, vấn đề nổi cộm trong lâm sàng là làm thế nào để điều trị cho những bệnh nhân béo phì nhưng không muốn thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt. Tăng đường huyết rõ ràng là một nguy cơ đáng kể nhưng nếu chỉ đơn thuần cho bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết trong thời gian ngắn thì cũng chẳng có ích lợi gì. Điều mà người thầy thuốc cần quan tâm là làm sao thuyết phục được các thanh thiếu niên béo phì cảm thấy thoải mái khi phải thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt trong một thời gian dài, phương pháp chắc chắn cải thiện tình trạng bệnh cho bệnh nhân.

Chú thích*: A, B, C là các mức độ khuyến cáo theo thang khuyến cáo của EBM.

 

American family physician, 2007, 76(9): 1357-1358

Trần Hồng Nhung - Trịnh Trung Hiếu dịch