Liệu pháp hormon có làm giảm chứng nóng bừng liên quan tới Tamoxifen?

Trong một nghiên cứu gần đây, Osborne và cộng sự (Breast. Cancer. Res. Treat. Aug 2009 116(3): 521-527) đã đặt ra câu hỏi liệu phương pháp điều trị bằng hormon có làm giảm chứng nóng bừng trên những bệnh nhân dùng tamoxifen hay không. Việc kiểm soát chứng nóng bừng là rất quan trọng vì đây là một tác dụng phụ đầy thách thức của tamoxifen, tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống của người phụ nữ, bao gồm cả giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.

 

 

Một trong những điểm chính mà nghiên cứu này hướng tới là vai trò của chứng nóng bừng trong việc thúc đẩy phụ nữ bắt đầu liệu pháp hormon cũng như ngưng sử dụng tamoxifen. Thí dụ, trong nghiên cứu này, các tác giả cho biết có 22 bệnh nhân đã rút khỏi thử nghiệm do gặp phải các cơn bốc hỏa nặng. Thông tin này đưa đến một điểm quan trọng là cần phải đánh giá và kiểm soát chứng nóng bừng và các tác dụng phụ liên quan khác của tamoxifen hay của bất kỳ phương pháp điều trị bằng thuốc nào, cho dù mục đích của thuốc đó là để phòng hay điều trị ung thư.

Ngày càng có nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vấn đề liệu các phương pháp điều trị chứng nóng bừng có ảnh hưởng đến bệnh nhân đang dùng tamoxifen và/hoặc bệnh nhân có tiền sử ung thư vú hay không. Một nghiên cứu hồi cứu được tiến hành tại trung tâm Mayo Clinic/Nhóm điều trị ung thư – Đại học North Central, Hoa Kỳ cho thấy các liệu pháp điều trị chứng nóng bừng có tác động tương tự nhau trên những bệnh nhân dùng tamoxifen so với những bệnh nhân không dùng tamoxifen, cũng như khi so sánh giữa bệnh nhân có và không có tiền sử ung thư vú (Menopause May/June 2009, 16(3): 477-483). Thử nghiệm này được tiến hành trên một số lượng lớn bệnh nhân điều trị chứng nóng bừng bằng cả liệu pháp không dùng hormon lẫn các liệu pháp dùng progestogen, tuy nhiên trong số này không có bệnh nhân nào sử dụng estrogen.

Osborne và cộng sự (Breast. Cancer. Res. Treat. Aug 2009 116(3): 521-527) kết luận rằng sử dụng liệu pháp hormon (estrogen đơn độc hoặc phối hợp với progestogen) cùng với tamoxifen không cải thiện được các triệu chứng vận mạch gây ra bởi tamoxifen. Tuy dữ liệu trong nghiên cứu củng cố cho kết luận này nhưng các tác giả vẫn không thực sự chứng minh được kết luận của mình. Những phụ nữ tham gia nghiên cứu này đã dùng tamoxifen hoặc dùng tamoxifen cùng với liệu pháp hormon nhưng không được điều trị một cách ngẫu nhiên. Đúng hơn là những phụ nữ này đã tự lựa chọn có dùng liệu pháp hormon cùng với tamoxifen hay không. Ở nhóm phụ nữ lựa chọn sử dụng liệu pháp hormon cùng với tamoxifen thì thời gian sử dụng liệu pháp hormon trung bình tại thời điểm nghiên cứu là gần 10 năm. Những phụ nữ này được cho là có nhiều lo lắng hơn, chủ yếu là về chứng nóng bừng so với những phụ nữ không dùng liệu pháp hormon vì lý do chính để phụ nữ lựa chọn liệu pháp hormon là để làm giảm các triệu chứng nóng bừng. Nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng tỷ lệ xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của chứng nóng bừng ở phụ nữ thời kỳ sau mãn kinh khi dùng tamoxifen có liên quan tới việc những phụ nữ này có gặp phải các triệu chứng nóng bừng trong thời kỳ mãn kinh hay không (Clin. Breast. Cancer. 1(1):52–56).

Một nghiên cứu khác cũng tim cách trả lời câu hỏi liệu điều trị bằng hormon có cải thiện được hội chứng nóng bừng do tamoxifen hay không (J. Clin. Oncol. 24(24):3991–3996). Nghiên cứu được tiến hành trên 7.154 phụ nữ được chỉ định dùng tamoxifen và so sánh với giả dược trong thử nghiệm lâm sàng về phòng bệnh ung thư vú bằng liệu pháp hóa học. Đúng như dự đoán, những phụ nữ dùng tamoxifen gặp phải chứng nóng bừng nhiều hơn những phụ nữ dùng giả dược (với tỷ lệ tương ứng là 71 và 57%). Trong nghiên cứu của Osborne và cộng sự, tỷ lệ phụ nữ dùng liệu pháp hormon trong 6 tháng đầu nghiên cứu gặp phải chứng nóng bừng cao hơn so với nhóm không dùng liệu pháp hormon (61 so với 49%). Ngược lại, ở nhóm phụ nữ dùng giả dược, tỷ lệ nóng bừng ở những bệnh nhân dùng liệu pháp hormon (23%) thấp hơn so với bệnh nhân không dùng liệu pháp hormon (34%). Tuy nhiên, kết quả có một chút khác biệt khi xem xét những bệnh nhân không dùng liệu pháp hormon tại thời điểm nghiên cứu nhưng trước đó đã dùng liệu pháp hormon trong 6 tháng đầu sử dụng tamoxifen. Trong trường hợp này, có 39% bệnh nhân dùng liệu pháp hormon gặp phải hội chứng nóng bừng trong 6 tháng tiếp theo so với tỷ lệ 51% ở nhóm bệnh nhân không dùng liệu pháp hormon. Như vậy, liệu pháp hormon làm giảm tỷ lệ xuất hiện chứng nóng bừng ở nhóm dùng giả dược, khi mà tỷ lệ phụ nữ gặp phải chứng nóng bừng nếu dùng liệu pháp hormon chỉ là 20% so với 40% khi không dùng liệu pháp hormon. Kết luận của nhóm tác giả này đáng tin cậy hơn kết luận của Osborne và cộng sự vì nghiên cứu của nhóm tác giả này cho thấy dường như liệu pháp estrogen ít ảnh hưởng tới những phụ nữ dùng tamoxifen.

Trong khi kết quả của hai nghiên cứu trên đều cho thấy liệu pháp estrogen dường như không có hiệu quả với chứng nóng bừng do tamoxifen, nhiều dữ liệu đáng tin cậy khẳng định liệu pháp progestogen làm giảm chứng nóng bừng do tamoxifen với mức độ tương tự như ở phụ nữ không dùng tamoxifen (N. Engl. J. Med. 331(6):347–352). Trong một nhóm gồm 100 phụ nữ, 80% trong số này dùng tamoxifen, tỷ lệ nóng bừng giảm 83% ở những phụ nữ được ngẫu nhiên cho dùng megestrol acetat so với chỉ giảm 27% ở nhóm phụ nữ dùng giả dược. Một kết quả bất thường được phát hiện trong thử nghiệm này là chứng nóng bừng tăng lên tạm thời nhưng ở mức độ đáng kể trong vài ngày ở những phụ nữ dùng megestrol acetat cùng với tamoxifen, trong khi tình trạng này không xuất hiện ở những phụ nữ không dùng tamoxifen. Tuy nhiên, mức độ giảm nóng bừng sau 4 tuần là tương đương ở nhóm dùng tamoxifen so với nhóm không dùng tamoxifen.

Một nghiên cứu khác được tiến hành với medroxyprogesteron acetat trong điều trị chứng nóng bừng ở phụ nữ cho thấy sử dụng liều đơn 400 mg medroxyprogesteron acetat qua đường tiêm bắp làm giảm tỷ lệ nóng bừng 79% sau 6 tuần kể từ ngày sử dụng (J. Clin. Oncol. 24(9):1409–1414). Kết quả tương tự cũng thu được ở 44 % phụ nữ dùng đồng thời tamoxifen khi so sánh với nhóm bệnh nhân còn lại trong nghiên cứu này.

Tóm lại, liệu pháp progestogen làm giảm rõ rệt chứng nóng bừng với mức độ đáng kể ở những bệnh nhân dùng tamoxifen. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy estrogen không cho kết quả điều trị tốt như progesteron, nguyên nhân có thể là do estrogen và tamoxifen có cơ chế tác dụng cạnh tranh. Tuy nhiên, cần có thêm dữ liệu nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên để trả lời chắc chắn được câu hỏi này, nhưng một thử nghiệm như vậy khó có thể tiến hành được do những lo ngại về việc sử dụng liệu pháp estrogen.

 

Breast Cancer Research and Treatment, 2009, 116(3): 529-530

Trung tâm DI & ADR Quốc gia - DS.Trần Thu Thủy dịch