Bộ Y Tế: Hướng dẫn Quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ 2018

Nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em - Bộ Y tế biên soạn “Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ”.

 

    Một số khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có xu hướng tăng dần trong những năm qua. Theo khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương tỷ lệ này ở mức  2,1% năm 1997 tăng lên 4% năm 2007 và 11% năm 2008. Theo khảo sát của các bệnh viện  chuyên khoa sản trên toàn quốc thì trong giai đoạn từ  năm 2001  -  2004, tỉ  lệ  phát hiện bệnh đái tháo đường thai kỳ vào khoảng 3%  -  4%, tuy nhiên đến năm 2012, tỉ  lệ  này đã tăng lên mức 20% trên tổng số thai phụ được khám tại các bệnh viện/cơ sở y tế chuyên khoa.

    Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của bà mẹ cũng như của thai nhi: Người mẹ có thể mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén và nguy cơ bị đái tháo đường thực sự  trong tương lai…Tăng glucose  huyết tương  ở  phụ  nữ  mang thai sẽ  gây nên tiền sản giật nếu không được kiểm soát tốt glucose huyết tương. Tăng huyết áp ở người mẹ sẽ đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở những thai nhi có mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. 

 

(Ảnh minh họa: nguồn internet)

   Mặc dù hiện nay có rất nhiều hướng dẫn về đái tháo đường thai kỳ, tuy nhiên còn tản mạn, thiếu đồng bộ  và nhất quán, chưa tập trung vào các thực hành cụ  thể dẫn tới khó khăn cho nhân viên y tế. Nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em - Bộ Y tế biên soạn “Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ”, với sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ đầu ngành đang công tác trong lĩnh vực sản phụ khoa, nội tiết và dinh dưỡng. Trong quá trình xây dựng Tài liệu, Bộ Y tế cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các cán bộ y tế ở các tuyến qua thử nghiệm ở một số địa phương.

 

Nội dung của hướng dẫn bao gồm:

 

Chương 1: Đại cương về đái tháo đường và đái tháo đường thai kỳ

Chương 2: Tầm soát và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Chương 3: Quản lý đái tháo đường thai kỳ trong giai đoạn mang thai

Chương 4: Quản lý đái tháo đường thai kỳ sau sinh

 

Ngày 23/10/2018 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Hướng dẫn trên.

 

Xin xem chi tiết Hướng dẫn tại đây.

 

Nguồn: http://moh.gov.vn/news/pages/tinhoatdongv2.aspx?ItemID=2654

Điểm tin: Nguyễn Thị Tuyến