Cuộc họp định kỳ lần thứ 165 ngày 10/3/2016 của Hội đồng phản ứng có hại của thuốc (Medicines Adverse Reactions Committee – MARC) thuộc Cơ quan Quản lý an toàn dược phẩm và thiết bị y tế New Zealand (Medsafe) đã đưa ra các khuyến cáo đáng chú ý liên quan đến interferon và glibenclamid
Ảnh minh họa: Internet.
Cuộc họp định kỳ lần thứ 165 ngày 10/3/2016 của Hội đồng phản ứng có hại của thuốc (Medicines Adverse Reactions Committee – MARC) thuộc Cơ quan Quản lý an toàn dược phẩm và thiết bị y tế New Zealand (Medsafe) đã đưa ra các khuyến cáo đáng chú ý sau:
Tháng 04/2015, Ủy ban Đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược Châu Âu (PRAC) trực thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) khuyến cáo nguy cơ tăng huyết áp động mạch phổi liên quan tới việc sử dụng interferon alfa và beta. PRAC đánh giá tăng huyết áp động mạch phổi không chỉ là phản ứng có hại của riêng interferon alfa và beta mà còn có thể xảy ra với tất cả các interferon khác và khuyến cáo EMA yêu cầu nhà sản xuất cập nhật thông tin này trên nhãn thuốc. Ở New Zealand, interferon alfa và beta được sử dụng với nhiều chỉ định như viêm gan, ung thư biểu bì, ung thư hạch bạch huyết, ung thư bạch cầu và u tủy và nhãn thuốc đã được phê duyệt của interferon alfa và beta chưa đề cập đến phản ứng tăng huyết áp động mạch phổi. Sau khi xem xét các dữ liệu hiện có, MARC khuyến cáo Medsafe cần yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh các chế phẩm có chứa interferon alfa và beta cập nhật thông tin về nguy cơ tăng áp lực động mạch phổi trong mục phản ứng có hại của thuốc.
Vấn đề biến cố trên tim mạch của các thuốc điều trị đái tháo đường đã liên tục được các cơ quan quản lý dược phẩm nghiên cứu và đánh giá trong nhiều năm nay. Nhiều nghiên cứu phân tích độ an toàn của các chế phẩm có chứa sulfonyurea đã được công bố. Tại New Zealand, có 3 loại thuốc điều trị đái tháo đường đường uống là metformin, sulfonylurea và pioglitazon. Trong nhóm sulfonylurea, gliclazid được sử dụng phổ biến nhất, ngoài ra còn có glibenclamid và glipizid. Qua các dữ liệu hiện có, MARC cho rằng nguy cơ tăng biến cố tim mạch của glibenclamid lớn hơn gliclazid. Do đó, MARC khuyến cáo Medsafe cần yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh các chế phẩm có chứa glibenclamid bổ sung thông tin về biến cố tim mạch trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Nguồn: http://www.medsafe.govt.nz/profs/adverse/Minutes165.htm
Người điểm tin: ThS. Nguyễn Phương Thúy