Bài báo khoa học: Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động báo cáo ADR tự nguyện của cán bộ y tế tại Việt Nam

Factors associated with spontaneous adverse drug reaction reporting among healthcare professionals in Vietnam

 

Tình trạng báo cáo thiếu (under-reporting) là nhược điểm lớn nhất của hoạt động báo cáo ADR tự nguyện ở tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, hiểu biết về những yếu tố thuận lợi và rào cản đối với hoạt động báo cáo ADR của cán bộ y tế tại các nước đang phát triển còn hạn chế. Vì vậy, với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét, Bộ môn Quản lý kinh tế Dược – Trường đại học Dược Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm DI&ADR Quốc gia triển khai nhiên cứu này với mục đích tìm hiểu các yếu tố liên quan đến hoạt động báo cáo ADR của cán bộ y tế tại Việt Nam.

 

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, thu thập thông tin về kiến thức, thái độ và thực hành của 2091 cán bộ y tế thuộc 10 bệnh viện trên cả nước về hoạt động báo cáo ADR thông qua phỏng vấn bằng bộ câu hỏi. Biếnnhị phânđầu ra là đã từng báo cáo ADR.Các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động báo cáo ADR được xác định thông qua phân tích hồi quy logistic đa biến.

 

Kết quả tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng tham gia khảo sát tương ứng là 29,3%, 2,2% và 68,4%. Trong đó, 59,3% cán bộ y tế đã từng báo cáo ADR. Các yếu tố thuận lợi cho hoạt động báo cáo ADR là đào tạo, tập huấn (OR = 1,77, 95%CI = 1,42-2,22) và có kiến thức tốt về hoạt động báo cáo ADR như có nhận thức về quy định báo cáo ADR (OR = 1,63, 95%CI = 1,19-2,21), thời gian báo cáo (OR = 1,76, 95%CI = 1,35-2,29) và các thông tin cần thiết trong mẫu báo cáo (OR = 1,94, 95%CI = 1,53-2,45). Ngược lại, các yếu tố là rào cản của hoạt động báo cáo ADR là không biết quy trình báo cáo (OR = 0,27, 95%CI = 0,22-0,35), mẫu báo cáo phức tạp (OR = 0,54, 95%CI = 0,42-0,68) và thiếu thời gian làm báo cáo (OR = 0,59, 95%CI = 0,46-0,74).

 

Như vậy, để góp phần nâng cao tỷ lệ báo cáo ADR, can thiệp về đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và thái độ cho cán bộ y tế về hoạt động báo cáo ADR nên được ưu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các can thiệp để khắc phục các rào cản (như tính sẵn có và mức độ phức tạp của biểu mẫu báo cáo ADR, thiếu thời gian làm báo cáo) cần được xem xét để cải thiện cả về số lượng và chất lượng của báo cáo ADR.

 

Nhân dịp này, nhóm nghiên cứu xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến tất cả các cán bộ y tế ở 10 bệnh viện trên cả nước đã tham gia ủng hộ nhiệt tình, góp phần đẩy mạnh hoạt động Cảnh giác Dược tại Việt Nam.    

(ảnh chụp trang đầu bài báo)

 

Nội dung chi tiết xin xem tại: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/jcpt.13037

 

Điểm tin: Trần Ngân Hà, Lê Thu Thuỷ.