Bài báo: Đánh giá hiệu quả can thiệp của chương trình quản lý kháng sinh với fosfomycin truyền tĩnh mạch tại Bệnh viện Thanh Nhàn

Nghiên cứu "Đánh giá hiệu quả can thiệp của chương trình quản lý kháng sinh với fosfomycin truyền tĩnh mạch tại Bệnh viện Thanh Nhàn" được thực hiện nhằm đánh giá tác động của các biện pháp can thiệp trong chính sách sử dụng fosfomycin đến tình hình tiêu thụ cũng như việc sử dụng fosfomycin IV tại bệnh viện, làm cơ sở để hoàn thiện quy trình quản lý kháng sinh và nhân rộng hoạt động này trong chương trình quản lý kháng sinh của bệnh viện.

 

 

 

Hiện nay, tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh ngày càng gia tăng cùng với hạn chế trong việc phát triển các kháng sinh mới đã gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn, đặc biệt trên các nhiễm khuẩn bệnh viện. Do đó, tối ưu hóa sử dụng kháng sinh thông qua chương trình quản lý sử dụng kháng sinh (AMS) đóng vai trò quan trọng trong cải thiện hiệu quả điều trị, hạn chế kháng thuốc trên bệnh nhân. Để chương trình đạt được thành công, cần có sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo đơn vị và sự phối hợp thực hiện giữa dược sĩ, các chuyên gia lâm sàng về nhiễm khuẩn và các nhà vi sinh lâm sàng. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, AMS đang trở thành một phần không thể thiếu trong thực hành điều trị của tất cả các bệnh viện nhưng cách thức triển khai, hiệu quả của AMS vẫn chưa được nghiên cứu trong điều kiện thực hành lâm sàng tại Việt Nam.
 
Fosfomycin là một kháng sinh diệt khuẩn phổ rộng được phát hiện vào năm 1969, là thành viên duy nhất của nhóm kháng sinh epoxid. Do có cơ chế tác dụng đặc biệt và còn duy trì hiệu quả trên nhiều vi khuẩn đa kháng thuốc, fosfomycin được xếp vào nhóm kháng sinh dự trữ cần bảo tồn, là lựa chọn cuối cùng cho các nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn do các vi khuẩn đa kháng thuốc. 
 
Trong bối cảnh đó, Bệnh viện Thanh Nhàn đã triển khai chương trình “Quản lý sử dụng kháng sinh” nhằm tăng cường sử dụng hợp lý kháng sinh nói chung và fosfomycin IV nói riêng trong bệnh viện với các quy trình duyệt đơn chặt chẽ và hướng dẫn chi tiết về chỉ định, xét nghiệm vi sinh, lựa chọn phác đồ cũng như liều dùng và cách dùng của fosfomycin IV. Nghiên cứu "Đánh giá hiệu quả can thiệp của chương trình quản lý kháng sinh với fosfomycin truyền tĩnh mạch tại Bệnh viện Thanh Nhàn" được thực hiện nhằm đánh giá tác động của các biện pháp can thiệp nói trên đến tình hình tiêu thụ cũng như việc sử dụng fosfomycin IV tại bệnh viện, làm cơ sở để hoàn thiện quy trình quản lý kháng sinh và nhân rộng hoạt động này trong chương trình quản lý kháng sinh của bệnh viện.
 
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy các can thiệp từ HĐT&ĐT đã có tác động tích cực lên tiêu thụ fosfomycin IV với xu hướng hạn chế sử dụng trong toàn viện, đặc biệt là ở khối ngoại để tập trung ưu tiên điều trị các nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng, thường gặp tại các đơn vị hồi sức. Việc sử dụng fosfomycin IV đã có cải thiện đáng kể với tỷ lệ sử dụng chế độ liều cao tăng trên 10 lần, tỷ lệ có chỉ định phù hợp và có xét nghiệm vi sinh trước khi dùng fosfomycin cũng tăng hơn 4 lần, tỷ lệ sử dụng fosfomycin là kháng sinh thay thế và có phối hợp với các kháng sinh khác cũng tăng lần lượt 2,9 và 1,5 lần.
 
Kinh nghiệm rút ra từ nghiên cứu này có thể được áp dụng cho các hoạt động khác của chương trình quản lý kháng sinh, giúp bảo tồn hiệu lực của các kháng sinh dự trữ trước tình trạng gia tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.
 
 
Ảnh: trang đầu bài báo
 
 
 
Xem toàn văn bài báo tại đây
 
Xem thêm các nghiên cứu khoa học tại đây: http://canhgiacduoc.org.vn/DAOTAONC/NghienCuu.aspx
 
Tổng hợp: Nguyễn Hoàng Anh (b)