Hội thảo các đối tác hỗ trợ hệ thống Thông tin thuốc và Cảnh giác dược tại Việt Nam

Cảnh giác Dược là một vấn đề quan trọng đòi hỏi sự quan tâm và ủng hộ của toàn ngành y tế. Trong thực tế điều trị, tác dụng phụ của thuốc và các sai sót liên quan tới sử dụng thuốc là nguyên nhân đáng kể gây tử vong và bệnh tật. Vì vậy mỗi quốc gia đều cần tiến hành một cách liên tục công tác giám sát tính an toàn và hiệu quả của thuốc ở tất cả các tuyến chăm sóc sức khỏe. Công tác này đòi hỏi phải có một hệ thống phối hợp thông tin và phản hồi giữa tất cả các đầu mối quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến với sự tham gia, hợp tác của tất cả các đối tượng: người thực hiện chương trình, nhân viên y tế, nhà cung cấp dịch vụ y tế, các trường đại học, các chuyên gia y tế và bệnh nhân. Tại Việt Nam, việc phát triển một hệ thống Quốc gia về Cảnh giác dược trong thời điểm hiện tại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó tình trạng thiếu thốn về cơ sở hạ tầng thông tin, đào tạo cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, thiếu sự cam kết giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, sự phối hợp với các công ty dược phẩm, sự hỗ trợ từ các đối tác trong nước và quốc tế là những thách thức quan trọng nhất. Chính vì những lý do trên Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc tổ chức Hội thảo: “Các đối tác hỗ trợ hệ thống Thông tin thuốc và Cảnh giác Dược tại Việt Nam” vào ngày 29/10/2009 tại Hà Nội với 3 mục tiêu chính sau:

  • Phổ biến chủ trương, chính sách của Bộ Y tế trong triển khai công tác sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
  • Giới thiệu với các đối tác và các bên liên quan về Chiến lược phát triển công tác Cảnh giác Dược của Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
  • Xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan nhằm hình thành một hệ thống mạng lưới cung cấp và phản hồi thông tin giữa các đầu mối trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các tuyến với sự tham gia, hợp tác của tất cả các đối tác: cơ quan thực thi ở góc độ quản lý nhà nước, khối nghiên cứu đào tạo; khối điều trị, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược phẩm; các tổ chức quốc tế… với mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là tăng cường sử dụng thuốc hợp lý an toàn phục vụ người bệnh và cộng đồng.

Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ trì của TS. Cao Minh Quang - thứ trưởng Bộ Y tế và TS. Jean Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cộng với sự tham gia đông đảo của các cơ quan thuộc Bộ Y tế: Cục quản lý Dược, Cục quản lý khám và chữa bệnh, Cục phòng chống HIV/AIDS, Vụ hợp tác quốc tế, Thanh tra Bộ Y tế, Vụ tổ chức cán bộ, Vụ khoa học đào tạo…; các chương trình Y tế Quốc gia; các bệnh viện, các trường đại học y dược, hội nghề nghiệp của ngành y tế Việt Nam, các doanh nghiệp Dược, các tổ chức quốc tế WHO, USAID, CDC, MSH/SPS/SCMS…và các cơ quan báo trí truyền thông. 

 Tại hội thảo, TS Cao Minh Quang trình bày thư ngỏ gửi các đối tác hỗ trợ hệ thống Thông tin thuốc và Cảnh giác Dược tại Việt Nam kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của tất cả các chuyên gia, tổ chức, đơn vị tham gia phát triển hệ thống Thông tin thuốc và Cảnh giác Dược của Việt Nam.
 “Thông tin thuốc và Cảnh giác dược là vấn đề luôn được Bộ Y tế quan tâm trong công tác trọng tâm nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và giảm thiểu chi phí y tế trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, là một trong những mục tiêu cơ bản của Chính sách Quốc Gia về thuốc của Việt Nam. Để Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc và Trường Đại học Dược Hà Nội có thể hoàn thành được trọng trách nêu trên, Bộ Y tế Việt Nam kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của tất cả các chuyên gia, tổ chức, đơn vị tham gia triển khai hệ thống DI & PV tại Việt Nam.”
 TS. Jean Marc Olivé, trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã trình bày về tầm quan trọng của Cảnh giác dược và sự hợp tác giữa các đối tác trong nước và quốc tế.
 “Việc thành lập Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc bản thân nó đã là một thách thức và cần thiết phải có sự hỗ trợ lâu dài và tham gia tích cực của tất cả các bên. Năng lực chuyên môn là hết sức cần thiết và chúng ta cần xây dựng năng lực này trong phạm vi toàn quốc. Hơn nữa, việc đầu tư là rất quan trọng trong việc xây dựng hệ thống thông tin và cảnh báo. Chúng tôi có thể chia sẻ bằng cách lồng ghép trong các kế hoạch hoạt động và khung chương trình của mình nội dung xây dựng hệ thống theo dõi và báo cáo để có thể liên kết với Trung tâm Quốc gia.”
 

 

 PGS. TS. Nguyễn Đăng Hòa, giám đốc Trung tâm Quốc gia đã trình bày trước các đối tác kế hoạch hoạt động của Trung tâm giai đoạn 2010-2015, trong đó, nhấn mạnh sự phối hợp của các đối tác chính là nhân tố thiết yếu để triển khai hoạt động của trung tâm.
 Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, những người tham gia còn được nghe các báo cáo của đại diện Cục quản lý khám, chữa bệnh về công tác chỉ đạo hoạt động thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, của WHO về mô hình hệ thống Cảnh giác Dược ở các nước trên thế giới, của Tổ chức quản lý khoa học về sức khỏe (MSH) về việc tài trợ của MSH, SCMS, SPS với hệ thống Cảnh giác Dược của Việt Nam và của Pharmagroup về vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp dược trong lĩnh vực này.
 Sau đó, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về mối quan hệ giữa các đối tác trong hệ thống, tập trung vào mối quan hệ giữa Trung tâm với các cơ quan quản lý của Bộ, với các chương trình Y tế Quốc gia, với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, với hệ thống Thông tin thuốc và Cảnh giác Dược quốc tế; đồng thời cũng thảo luận về vai trò của Hội đồng thuốc và điều trị, của khối sản xuất kinh doanh dược phẩm và của các đối tượng sử dụng thuốc trong hệ thống Cảnh giác Dược quốc gia.
 Hội thảo đã nhận được sự đồng thuận giữa các đối tác, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, là bước chuẩn bị cơ bản cho việc xây dựng một hệ thống toàn diện về Thông tin thuốc và Cảnh giác Dược trong giai đoạn tới.
 Theo đó, kiến nghị Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho trường Đại học Dược Hà Nội, Trung tâm DI-ADR Quốc gia làm đầu mối để xây dựng Đề án tổng thể phát triển hệ thống Thông tin thuốc, Cảnh giác Dược giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến 2020.

 

 

 

 

Bộ Y tế cần có các biện pháp điều phối, xác lập cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan với Trung tâm Quốc gia, đồng thời cần chỉ đạo quyết liệt nhằm củng cố lại vai trò của Hội đồng thuốc và điều trị của các bệnh viện với mục tiêu xây dựng lại cơ chế báo cáo ADR tự nguyện từ các khoa lâm sàng.

Các Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Dược phẩm trong và ngoài nước cần tăng cường trách nhiệm trong việc nghiêm túc báo cáo thường xuyên và đầy đủ các ADR, các biến cố bất lợi của các sản phẩm lưu hành trên thị trường thế giới và Việt Nam. Về phía Trung tâm Quốc gia, nhu cầu cấp thiết là xây dựng cơ chế hợp tác tương hỗ với các đơn vị có liên quan, thiết lập mối quan hệ hợp tác trong khu vực và trên thế giới cũng như cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực.