Các cán bộ y tế,với vai trò là đối tác tham gia vào hệ thống Cảnh giác dược(Pharmacovigilance - PV), đã được cung cấp các kiến thức cơ bản về lĩnh vực này qua những bài giảng sinh động của TS. Kenneth Hartigan và TS. Ian Boyd đến từ Tổ chức Cảnh giác dược Quốc tế như:
- Tầm quan trọng và lý do cần triển khai hệ thống Cảnh giác dược trên thế giới;
- Phân loại và những cơ chế của phản ứng bất lợi của thuốc;
- Cảnh giác dược đối với thuốc có nguồn gốc dược liệu;
- Cảnh giác dược đối với vaccin;
- Báo cáo ADR tự nguyện và vai trò của hình thức này trong Cảnh giác dược;
- Mối quan hệ giữa Dịch tễ dược học và Cảnh giác dược;
- Các sai sót trong điều trị và vấn đề đảm bảo an toàn cho người bệnh;
- Những nguyên tắc và thực hành quy kết tác dụng bất lợi.
Các chuyên gia cũng chia sẻ các bài học kinh nghiệm thực tế đầy ý nghĩa khi triển khai hệ thống này tại Philipin và Úc.
Qua khóa tập huấn, các cán bộ y tế đều hài lòng với những kiến thức được trang bị và bày tỏ sự nhất trí tham gia tích cực vào hệ thống Cảnh giác dược tại Việt Nam.
|
|
Tại hội thảo, Trung tâm DI & ADR cũng báo cáo tóm tắt kết quả cuộc khảo sát “Đánh giá năng lực quốc gia về Thông tin thuốc và Cảnh giác dược”, từ đó đưa ra một số đề xuất cho kế hoạch phát triển hệ thống PV tại Việt Nam. Cuộc khảo sát được tiến hành tại các cơ sở đào tạo và điều trị trên một số tỉnh thành trong cả nước như Thái Nguyên, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Qua báo cáo, các cán bộ y tế đã thấy được thực trạng và sự cần thiết phải triển khai một hệ thống Cảnh giác dược toàn diện tại Việt Nam. Các bên tham dự đã thảo luận sôi nổi và bước đầu đề xuất những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống này với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Theo đó, để từng bước xây dựng hệ thống, các cán bộ y tế tham gia cần được tăng cường đào tạo; hình thành mạng lưới rộng khắp, chặt chẽ; kiến nghị Bộ Y tế đưa ra cơ chế điều phối phù hợp và chỉ đạo thực hiện lộ trình phát triển hệ thống Cảnh giác dược tại Việt Nam.