ANSM: Bổ sung thông tin cho bệnh nhân và dược sĩ về các nguy cơ liên quan đến thuốc co mạch

 

Để đảm bảo sử dụng hợp lý thuốc co mạch đường uống, ANSM yêu cầu các nhà thuốc cần có tờ thông tin hỗ trợ dược sĩ cấp phát thuốc và tờ thông tin dành cho bệnh nhân trong vài tuần tới.

 

Sau khi lấy ý kiến ​​của tất cả các bên liên quan, ANSM đã đưa ra hai tài liệu trên để củng cố thông tin về cách sử dụng hợp lý và nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn liên quan đến thuốc co mạch. Đây là thuốc được sử dụng rất rộng rãi hiện nay, đặc biệt là các thuốc co mạch không kê đơn viên nén pseudoephedrin dạng base.

 

ANSM đưa ra thông tin dựa trên cơ sở của các trường hợp xuất hiện phản ứng có hại hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết, cũng như tình trạng lạm dụng thuốc co mạch quá mức. Các tài liệu này bổ sung cho tờ hướng dẫn sử dụng thuốc và tờ tóm tắt các đặc tính sản phẩm (SPC) và sẽ được nhà sản xuất cung cấp cho các nhà thuốc trong vài tuần tới. 

 

THÔNG TIN DÀNH CHO DƯỢC SĨ

Tờ thông tin hỗ trợ cấp phát thuốc co mạch đường uống

Cảm lạnh thường tự khỏi sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị, do đó việc kiểm soát bệnhchủ yếu dựa trên các biện pháp vệ sinh. 

 

Điều trị bằng thuốc co mạch nên được coi là phương pháp điều trị hàng hai trong trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm.

 

Trước khi cấp phát thuốc co mạch đường uống 

 

Thông tin cần cung cấp cho bệnh nhân trước khi cấp phát thuốc co mạch đường uống

Giải thích về cơ chế tác dụng và các nguy cơ của thuốc co mạch

- Thuốc co mạch đường uống được chỉ định để điều trị các triệu chứng cảm lạnh (kết hợp với paracetamol hoặc ibuprofen). 

- Thuốc co mạch làm giảm cảm giác nghẹt mũi nhờ tác dụng co mạch máu, dẫn đến làm giảm sưng niêm mạc mũi. 

- Thuốc co mạch chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng, không làm giảm thời gian cảm lạnh. 

Nguy cơ liên quan

- Tác dụng không mong muốn trên tim mạch (tăng huyết áp động mạch, nhồi máu cơ tim)  

- Tác dụng không mong muốn trên thần kinh (đột quỵ xuất huyết hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ, co giật) 

- Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ 

- Rối loạn tâm thần (lo lắng, kích động, rối loạn hành vi, ảo giác, mất ngủ, các triệu chứng hưng cảm)  

- Phản ứng da nghiêm trọng  

- Bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ (mất thị lực đột ngột hoặc nhìn thấy điểm đen) 

Khi bệnh nhân sẵn sàng bắt đầu điều trị 

- Lưu ý cho bệnh nhân về liều lượng và thời gian điều trị: không sử dụng thuốc co mạch trên 5 ngày.  

- Cảnh báo các nguy cơ liên quan đến các thuốc co mạch đường uống hoặc dạng hít khác và/hoặc paracetamol hoặc ibuprofen.  

- Lưu ý trong trường hợp các triệu chứng không được cải thiện sau 5 ngày,bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

- Ghi vào hồ sơ bệnh án hoặc lịch sử cấp phát thuốc của bệnh nhân được cấp phát thuốc co mạch.  

 

THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN

 

Làm gì khi bị cảm lạnh?

Thông tin tư vấn và cảnh báo khi sử dụng một số loại thuốc trong trường hợp bị cảm lạnh. 

Cảm lạnh thường tự khỏi sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị. Dưới đây là một số biện pháp để bạn cảm thấy thoải mái hơn: 

Giữ ẩm niêm mạc mũi bằng dung dịch rửa phù hợp: dung dịch muối sinh lý, xịt nước ấm hoặc nước biển,… 

Uống đủ nước.

Ngủ ở tư thế nâng cao đầu.

- Giữ nhiệt độ phòng khoảng 18-20°Cvà thông thoáng khí. 

Nên tránh: 

- Sử dụng điều hoà hút ẩm không khí và làm khô niêm mạc mũi; 

-Hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc của người khác. 

Nếu các biện pháp này không giúp cải thiện triệu chứng của bạn, hãy đến gặp dược sĩ để được tư vấn trước khi sử dụng thuốc. 

 

Thông tin quan trọng cần biết trước khi sử dụng thuốc co mạch

Thuốc co mạch được dùng nhằm mục đích thông mũi, thường kết hợp với một thuốc giảm đau (paracetamol hoặc ibuprofen). 

Một số nguy cơ liên quan đến thuốc co mạch: 

Tai biến mạch máu não (CVA): méo miệng, yếu một bên cơ thể, yếu cơ tay hoặc cơ chân, gặp vấn đề về giọng nói, rối loạn thăng bằng, nhức đầu dữ dội hoặc giảm thị lực. 

Rối loạn tim mạch như nhồi máu cơ tim: đau ngực, cơn đau nhói có thể lan đến hàm, cánh tay trái hoặc cả hai cánh tay và lưng, da xanh xao, người khó chịu, đổ mồ hôi, khó thở, buồn nôn, lo lắng, mệt mỏi không rõ nguyên nhân. 

Tăng huyết áp

Co giật

Rối loạn tâm thần: lo lắng, kích động, rối loạn hành vi, ảo giác, mất ngủ, triệu chứng hưng cảm (vui buồn thất thường, cảm giác vui quá mức). 

Viêm đại tràng có khả năng gây ra tình trạng phân lẫn máu (viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ). 

Phản ứng da nghiêm trọng: mẩn đỏ da toàn thân, có mụn mủ và có thể kèm theo sốt. 

Suy giảm thị lực đột ngột do giảm lưu lượng máu đến mắt (bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ). 

Tác dụng không mong muốn kể trên có thể xảy ra không phụ thuộc liều dùng và thời gian điều trị. Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy ngừng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ. 

 

Điều cần biết 

Thuốc co mạch + Thai kỳ = Nguy hiểm. Thận trọng khi sử dụng thuốc co mạch trong thai kỳ do những nguy cơ có thể xảy ra với thai nhi. Cần xin tư vấn của bác sĩ trước khi cân nhắc sử dụng thuốc.  

Chống chỉ định thuốc co mạch cho phụ nữ đang cho con bú.

Nếu bạn muốn sử dụng thuốc co mạch để điều trị các triệu chứng cảm cúm, hãy tuân thủ các khuyến cáo sau:  

- Dùng đúng liều: … viên vào buổi sáng và … viên vào buổi tối. 

- Không dùng quá 5 ngày. 

- Không dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi. 

- Không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. 

- Không kết hợp thêm thuốc khác có chứa chất co mạch (dạng uống hoặc nhỏ mũi). 

- Không kết hợp thêm thuốc khác có chứa paracetamol, ibuprofen. 

Trong trường hợp thông tin chưa rõ ràng, xem thêm tờ thông tin sử dụng  thuốc. 

Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau 5 ngày, bạn cần đến gặp bác sĩ tư vấn. 

Để dự phòng cảm cúm thông thường và tránh tái phát bệnh, hãy lưu ý:  

- Rửa tay thường xuyên 

- Sử dụng khăn tay dùng một lần 

- Ho và hắt hơi vào khuỷu tay 

- Đeo khẩu trang

 

Nguồn: Actualité - L’ANSM renforce l’information des patients et des pharmaciens sur les risques liés aux vasoconstricteurs - ANSM (sante.fr)

Điểm tin: CTV. Phùng Ngọc Mai, CTV. Nguyễn Ngọc Quỳnh Trang

Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến