Uspharmacist: Lựa chọn đầu tay thuốc ức chế SGLT-2 trong điều trị đái tháo đường typ 2 có cải thiện kết cục tim mạch cho bệnh nhân hay không?

 

Các hướng dẫn điều trị trên lâm sàng hiện tại thường ưu tiên metformin là liệu pháp đầu tay cho bện hnhân đái tháo đường type 2 (T2D), nhưng một nghiên cứu mới đã đặt ra câu hỏi rằng liệu có nên thay đổi hay không. 

 

Nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Brigham and Women's Hospital và Trường Y khoa Harvard (Harvard Medical School) đã chỉ ra triển vọng của việc sử dụng đầu tay thuốc ức chế đồng vận chuyển glucose-natri (ức chế SGLT-2).

 

Bài báo trên Annals of Internal Medicine cho thấy bằng chứng về việc giảm thiểu về nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch (CV) liên quan đến việc sử dụng ức chế SGLT-2 so với metformin hiện vẫn còn hạn chế. Điều đó đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu đánh giá các kết cục CV ở người trưởng thành mắc T2D được điều trị đầu tay với SGLT-2 thay vì metformin. 

 

Nghiên cứu thuần tập theo dõi từ quần thể (population-based cohort study) đã sử dụng dữ liệu từ 2 cơ sở dữ liệu lớn là U.S. comercial và Medicare từ 04/2013 đến 03/2020. Đối tượng tham gia là người trưởng thành mắc T2D, gồm bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên tại Medicare bắt đầu điều trị bằng thuốc ức chế SGLT-2 hoặc metformin trong thời gian theo dõi. Bệnh nhân không được kê bất kỳ loại thuốc điều trị đái tháo đường nào trước khi tiến hành nghiên cứu. 

 

Nghiên cứu tập trung vào việc sử dụng đầu tay 1 thuốc ức chế SGLT-2: anagliflozin, empagliflozin, hoặc dapagliflozin - hoặc metformin. Tiêu chí chính được xác định là số trường hợp nhập viện do nhồi máu cơ tim (MI), nhập viện do đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết, hoặc tử vong do mọi nguyên nhân (MI/đột quỵ/tử vong) và tiêu chí gộp số trường hợp nhập viện do suy tim (HHF) hoặc tử vong do mọi nguyên nhân (HHF/tử vong). Nhà nghiên cứu cũng theo dõi tất cả trường hợp nhiễm khuẩn bộ phận sinh dục được báo cáo trong từng nhóm nghiên cứu. 

 

Kết quả cho thấy, trong số 8.613 trường hợp sử dụng đầu tay thuốc ức chế SGLT-2 so với 17.226 bệnh nhân được kê đơn metformin lần đầu:  

Nguy cơ MI/đột qụy/tử vong liên quan đến ức chế SGLT-2 tương đương so với metformin (HR 0,96; 95% CI 0,77-1,19) và nguy cơ HHF/tử vong liên quan đến SGLT-2 thấp hơn (HR 0.80; 95% CI 0,66-0,97) so với metformin.

 

Các tác giả lưu ý rằng so với metformin, những bệnh nhân dùng thuốc ức chế SGLT-2 là thuốc đầu tay cũng cho thấy nguy cơ HHF (HR 0,78; CI 0,63-0,97) thấp hơn, nguy cơ MI thấp hơn (HR 0,70; CI 0,48-1,00), nguy cơ xảy ra đột quỵ, tử vong và MI/đột quỵ/HHF/tử vong tương đương so với bệnh nhân dùng metformin. 

 

Mặt khác, việc sử dụng đầu tay thuốc ức chế SGLT-2 có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường sinh dục (HR. 2,19; CI 1,91-2,51), các phản ứng có hại khác tương tự metformin.

 

Theo tác giả Ho Jin Shin, BPharm, PhD, của bộ phận Dược lý và Kinh tế dược tại Bệnh viên Brigham & Wome: “Kết quả nghiên cứu gợi ý việc có thể cân nhắc sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 là thuốc đầu tay cho bệnh nhân mắc bệnh T2D và bệnh tim mạch hoặc bệnh nhân có nguy cơ cao xảy ra các biến cố tim mạch”. “Tuy nhiên, việc có thêm bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên hoặc nghiên cứu quan sát sẽ giúp xác định đối tượng bệnh nhân có lợi ích cao nhất khi sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 là thuốc đầu tay điều trị T2D.”

 

Nguồn: https://www.uspharmacist.com/article/better-cv-outcomes-in-t2d-patients-using-firstline-sglt2is

Điểm tin: CTV. Vũ Thị Thu Thủy, CTV. Nguyễn Lê Phương Nga, CTV. Đinh Thị Thủy

Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến